Kinh tế Việt Nam sẽ “lách qua khe cửa hẹp”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hàng loạt dự báo của các định chế tài chính uy tín quốc tế về kinh tế thế giới, đặc biệt những nền kinh tế hàng đầu thế giới năm 2023 khá ảm đạm. Việt Nam đã tham gia sâu rộng với kinh tế toàn cầu, về lý thuyết, cũng chịu tác động tiêu cực. Tuy nhiên, theo đánh giá của TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ: “Năm 2023, Việt Nam sẽ lách qua khe cửa hẹp”.
Năm 2022, vải thiều Việt Nam được xuất khẩu sang 30 nước trên thế giới . Ảnh: Phú An
Năm 2022, vải thiều Việt Nam được xuất khẩu sang 30 nước trên thế giới . Ảnh: Phú An

“Suy thoái, suy giảm, khó khăn hơn năm 2022...”, là những từ được các định chế tài chính quốc tế dự báo về kinh tế thế giới năm 2023. Là người có nhiều năm nghiên cứu và tham gia hoạch định chính sách kinh tế, ông dự báo thế nào?

Khác với những cuộc khủng hoảng kinh tế trong lịch sử cận đại như khủng hoảng năm 1930 - 1933; 1971 - 1973; 1997 - 1998 và 2007 - 2008 đều xuất phát từ kinh tế và có nguyên nhân từ khủng hoảng năng lượng, cuộc khủng hoảng lần này xuất phát từ nguyên nhân chính trị, cụ thể là cuộc xung đột tại Ukraine.

TS. Nguyễn Đức Kiên

TS. Nguyễn Đức Kiên

Khủng hoảng có nguyên nhân từ chính trị rất khó dự đoán, vì không tuân theo quy luật thị trường mà phụ thuộc vào ý chí chủ quan của lãnh đạo những quốc gia liên quan. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra cũng dễ dàng nhận định, kinh tế thế giới năm 2023 rất ảm đạm, bởi EU và Anh quốc là những đầu tàu dẫn dắt kinh tế châu Âu cũng như thế giới đang rơi vào khủng hoảng năng lượng khi quyết định “cai” khí đốt của Nga. Với việc chấp nhận sử dụng khí hóa lỏng của Mỹ với giá cao gấp 3 - 4 lần, những đầu tàu kinh tế châu Âu như Đức, Anh, Pháp, Italia... khó có thể chịu nổi những mùa đông lạnh giá. Thiếu khí đốt giá rẻ đang là bài toán làm đau đầu chính giới và các nhà hoạch định chính sách ở “Cựu lục địa”.

EU thiếu năng lượng (khí đốt), hàng loạt nhà máy công nghiệp đến hoạt động dịch vụ phải hoạt động cầm chừng, thậm chí đóng cửa do không cạnh tranh được, thất nghiệp gia tăng cùng với lạm phát ở mức 2 con số đã, đang và sẽ kéo lùi kinh tế thế giới.

Vì các nền kinh tế lớn đều là đối tác đầu tư, thương mại hàng đầu của Việt Nam, khi họ bị suy thoái, lạm phát chắc chắn ảnh hưởng tiêu cực đến nước ta?

Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi. Trong bối cảnh kinh tế đang bị chi phối bởi yếu tố chính trị, phi quy luật thị trường, Việt Nam nằm ngoài xung đột nên sẽ tận dụng được lợi thế. Đây không phải là suy đoán lý thuyết mà thực tế đã, đang và sẽ diễn ra như vậy.

Ông có cơ sở nào để chứng minh Việt Nam sẽ “lách qua khe cửa hẹp”?

Ngày 10/11/2022, Bộ Tài chính Hoa Kỳ chính thức đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát về thao túng tiền tệ. Trước đó, ngày 16/4/2021, Việt Nam đã được đưa ra khỏi Danh sách các nền kinh tế thao túng tiền tệ của Hoa Kỳ trong khi hàng loạt nền kinh tế lớn nhỏ trên thế giới vẫn bị Hoa Kỳ “khép vào tội” thao túng tiền tệ hoặc nằm trong diện giám sát.

Nên nhớ rằng, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu, là thị trường Việt Nam đã và đang xuất siêu rất lớn. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang nền kinh tế lớn nhất thế giới này 109,1 tỷ USD, trong khi nhập khẩu chỉ có 14,6 tỷ USD, tức là chúng ta xuất siêu tới 94,5 tỷ USD, gấp nhiều lần giới hạn được coi là thao túng tiền tệ (thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD). Với EU cũng tương tự, năm 2022, Việt Nam xuất siêu 31,8 tỷ USD nhưng cũng không bị EU “thổi còi”. Trong khi đó, các nền kinh tế khác xuất khẩu vào Hoa Kỳ ít hơn Việt Nam, thặng dư thương mại cũng không lớn đều bị đưa vào danh sách thao túng hoặc giám sát thao túng tiền tệ. Tất nhiên, bên cạnh thặng dư thương mại, còn một số yếu tố khác nữa nhưng rõ ràng là quốc gia nào có chiến lược ngoại giao khôn ngoan, uyển chuyển vẫn giữ được độc lập chủ quyền, không để bị lôi kéo, tác động, ai cũng cần đến mình, cũng muốn chơi với mình và mình hưởng lợi từ những mối quan hệ này.

Việc không bị liệt vào danh sách thao túng hoặc giám sát thao túng tiền tệ sẽ tạo điều kiện để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu vào Hoa Kỳ, EU. Với nền kinh tế mà kim ngạch xuất khẩu tương đương GDP thì việc tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu chính là đòn bẩy vô cùng quan trọng để tăng trưởng, thu hút đầu tư nước ngoài.

Ngoài Hoa Kỳ, quan hệ giữa Việt Nam với các nước trên thế giới cũng đang tốt đẹp, thưa ông?

Chính xác là phải dùng từ “vô cùng tốt đẹp”. Sau 2 năm đại dịch, năm 2022, ngoại giao của Việt Nam bắt đầu tăng tốc với những cuộc viếng thăm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới hàng loạt đối tác kinh tế hàng đầu của nước ta. Trong đó nổi bật nhất là chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đặc biệt, Việt Nam và Hàn Quốc tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước từ Đối tác chiến lược lên Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Hàn Quốc là một trong những đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của nước ta. Việc nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện sẽ mở ra một thời kỳ phát triển mới, mạnh mẽ và thực chất hơn nữa đối với quan hệ hai nước. Trước mắt, ngay trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam và Hàn Quốc đã ký 16 thỏa thuận hợp tác, đề xuất đầu tư mới và mở rộng với tổng giá trị ước tính khoảng 15 tỷ USD.

Trong hoạt động ngoại giao - kinh tế năm 2022 không thể không nhắc tới Hội nghị Cấp cao ASEAN diễn ra tại Phnompenh (Campuchia). Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có 17 cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước đang là đối tác quan trọng nhất của Việt Nam, như tiếp xúc với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden; Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường; Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol; Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio; Thủ tướng Australia Anthony Albanese; Thủ tướng Canada Justin Trudeau; Phó Tổng thống Ấn Độ Jagdeep Dhankhar. Đây không chỉ đơn thuần là cuộc gặp gỡ, tiếp xúc xã giao mà là những buổi làm việc thực sự giữa lãnh đạo Việt Nam với các đầu tàu kinh tế thế giới. Tại các cuộc đối thoại, với tinh thần tích cực và chủ động, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất nhiều nội dung hợp tác quan trọng và nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo các nước như thúc đẩy hợp tác trong phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…

Lãnh đạo cấp cao các nước trên thế giới đều bày tỏ ấn tượng về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, đánh giá cao vị thế quốc tế ngày càng cao của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các nước khẳng định mong muốn cùng Việt Nam đưa quan hệ hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, phát triển kinh tế bền vững sau đại dịch, xử lý hiệu quả các vấn đề quốc tế và cùng ứng phó với những thách thức toàn cầu.

Khe cửa hẹp đã mở với rất nhiều cơ hội cho nước ta, cho cộng đồng doanh nghiệp nên không có lý do gì kinh tế Việt Nam không tăng tốc.

Ngoại giao năm 2022 nổi bật nhất là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đứng ở khía cạnh kinh tế, ông có bình luận gì về chuyến thăm đặc biệt này?

Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình là sự kiện đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam và Trung Quốc, được dư luận hai nước và quốc tế đặc biệt quan tâm.

Các nhà phân tích chính trị trên thế giới thống nhất rằng, thế giới đa cực đã bắt đầu hình thành. Trong quá trình này, “Trung Hoa đại lục” phải tìm những đối tác hợp tác chặt chẽ để phát triển kinh tế nhanh hơn, mạnh hơn. Trong số các đối tác mà “đất nước tỷ dân” muốn hợp tác lâu dài thì Việt Nam là đối tác số 1, không cần phải bàn cãi. Chính vì vậy, Trung Quốc sẵn sàng mở cửa cho hàng hóa của nước ta vào khu vực miền Nam, là nơi sinh sống của 700 triệu người tiêu dùng tương đối dễ tính so với phần còn lại của “Đại lục”.

Tối 31/10/2022, tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thân mật mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Tiệc trà. Đây là nghi thức đặc biệt được lãnh đạo Trung Quốc dành cho nhà lãnh đạo đặc biệt nước ngoài, thể hiện sự coi trọng và thiện chí của lãnh đạo Trung Quốc mong muốn tăng cường sự gần gũi, tin cậy với lãnh đạo cao nhất của Việt Nam. Đứng trên khía cạnh kinh tế, có thể nhận thấy quan hệ giao thương, đầu tư giữa 2 quốc gia “núi liền núi, sông liền sông” sẽ bước sang trang mới, cánh cửa thị trường phía Nam Trung Hoa với 700 triệu dân, chiếm một nửa dân số Trung Quốc đang mở ra với doanh nghiệp Việt Nam và Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài vì không doanh nghiệp nào trên thế giới muốn bỏ lỡ cơ hội tiếp cận với thị trường 700 triệu dân.

Từ những nhân tố kể trên, có thể nhận định rằng, mặc dù viễn cảnh thế giới năm 2023 còn xấu hơn năm 2022, nhiều nền kinh tế lớn lao đao, nhưng Việt Nam sẽ lách qua khe cửa hẹp. Khe cửa này sẽ càng ngày càng rộng mở cho những năm tiếp theo.

Chuyên đề