Ảnh Internet |
Theo Bloomberg, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc được dự báo sẽ đạt khoảng 13,2 nghìn tỷ USD trong năm 2018, vượt qua 12,8 nghìn USD tổng GDP của 19 quốc gia khối Eurozone. Năm 2017, GDP của khu vực Eurozone chỉ cao hơn GDP của Trung Quốc khoảng 200 tỷ USD.
“Trung Quốc sẽ vượt qua Eurozone và sẽ tiếp tục giữ vững vị thế này”, David Mann, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Standard Chartered cho biết. “Các chức năng của hệ thống kinh tế bao gồm cơ sở hạ tầng, giáo dục, thể chế đều đang được chuyển sang khu vực châu Á”.
Theo số liệu của Bloomberg, châu Á – nơi hội tụ của các cường quốc như Nhật Bản và Ấn Độ, cùng với nhiều nền kinh tế mới nổi như Philippines và Indonesia – đã vượt qua tổng GDP của các nước thuộc khu vực Bắc Mỹ và Nam Mỹ vào năm 2016. Tốc độ tăng trưởng nhanh hơn ở châu Á sẽ là cơ sở để khoảng cách đó nới rộng hơn trong nhiều năm tới.
Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang cải cách chuyển dịch mô hình lương thấp, xuất khẩu cao trong quá khứ sang hướng cân bằng hơn, trong đó chi tiêu nội địa mạnh hơn sẽ đóng vai trò chủ chốt. Để làm được như vậy, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm xử lý khối nợ khổng lồ, mở cửa thị trường tài chính của các nhà đầu tư toàn cầu và chống lão hóa dân số. Liên hiệp quốc dự báo, ¼ dân số Trung Quốc sẽ có độ tuổi trên 60 vào năm 2030.
Theo ông Mann, Trung Quốc sẽ phải phát triển với tốc độ ít nhất là 6% trong suốt thời gian còn lại của thập kỷ này và tăng 5-5,5% mỗi năm trong thập niên 2020. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế khu vực đồng Euro cũng sẽ khó cao hơn mức 2% trong vài thập kỷ tới.
Quỹ đạo tăng của Trung Quốc sẽ giúp nền kinh tế toàn cầu phục hồi trở lại với trạng thái cân bằng đã được duy trì trong hầu hết thời gian lịch sử, mà trong 150 năm trở lại đây, nền kinh tế các nước phương Tây vượt trội hơn.
“Trung Quốc trở lại như quốc gia này đã từng là nền kinh tế lớn nhất thế giới trong những năm 1800 có ý nghĩa rất quan trọng”, Rob Subbaraman, trưởng bộ phận kinh tế thị trường mới nổi tại Nomura Holdings Inc. ở Singapore, cho biết.
“Tác động của Trung Quốc đối với thị trường tài chính và hàng hóa toàn cầu không còn nhỏ nữa. Tuy nhiên, quy mô kinh tế của Trung Quốc cũng mang lại căng thẳng trong việc cạnh tranh thị phần thương mại và đầu tư”, cũng như căng thẳng về chính sách đối ngoại, ông Subbaraman cho biết.