Ngành công nghệ thông tin thu hút trên 24.000 doanh nghiệp hoạt động và tạo trên 700.000 việc làm |
Chính phủ đã thể hiện tầm nhìn chiến lược trong việc nhận biết cơ hội, giá trị và thúc đẩy phát triển nền kinh tế số, hình thành các thành phố thông minh tại Việt Nam, tạo điều kiện nắm bắt cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0. Song, con đường hình thành kinh tế số tại Việt Nam vẫn còn đối diện nhiều thách thức.
Doanh nghiệp "chạy" ra nước ngoài
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn, đóng góp quan trọng vào GDP quốc gia. Theo thống kê của Vụ Công nghệ thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành công nghiệp công nghệ thông tin đang thu hút trên 24.000 doanh nghiệp hoạt động, đóng góp trên 34.000 tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách nhà nước và tạo trên 700.000 việc làm. Thế nhưng, các doanh nghiệp công nghệ thông tin vẫn có sự phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, gặp khó khăn về quy trình, thủ tục và cách thức định giá sản phẩm hay rào cản về đầu tư đo quy định về phí viễn thông công ích.
Đặc biệt, chính sách thuế với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ số tại Việt Nam được đánh giá là đang có bất cập. Cụ thể, trong khi các đơn vị cung cấp dịch vụ qua biên giới như Google, Facebook, Grab... chỉ phải trả thuế nhà thầu là 5% thì doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ tương tự không những phải trả thuế VAT, thuế người dùng, mà còn phải trả 25% thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, chính những bất cập này sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp Việt mở công ty ở ngoài Việt Nam để tối ưu thuế. "Nhà nước cần ban hành chính sách thuế ngang bằng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để tạo sự cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng", ông Bình đề xuất.
Chính sách đang "bảo hộ" ngược
Hiện chúng ta chỉ có Nghị định 72 về quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet nên khi xảy ra vấn đề liên quan đến Internet thì chủ yếu xử lý về mặt hành chính. Trong khi ở các nước khác, hầu hết nhà nước không can thiệp vào xử lý hành chính đối với những hành vi vi phạm pháp luật trên mạng, mà chủ yếu là xử lý về mặt dân sự.
Ngoài ra, pháp luật hiện hành quy định rất chặt chẽ về hoạt động của các doanh nghiệp đã được cấp phép, nhưng đối với các mảng xuyên biên giới thì còn rất nhiều khó khăn. Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội để trong năm 2018 nhanh chóng khắc phục những bất cập này. "Bên cạnh việc đặt ra các quy định thì cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển và cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài trong bối cảnh họ đang chiếm ưu thế hơn rất nhiều", ông Do đề xuất.
Ngoài ra, khung pháp lý của các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ lại chưa hình thành để tạo thuận lợi cho hoạt động, trong đó vấn đề thương mại hóa các sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo từ ứng dụng công nghệ thông tin còn gặp nhiều khó khăn. Thêm nữa, việc phát triển các hình thức thanh toán điện tử tại Việt Nam còn chưa đồng bộ giữa chủ trương và thực hiện, nên việc đầu tư hạ tầng số chưa mạnh mẽ hoặc chưa thể phát huy hiệu quả.
Do đó, các doanh nghiệp thuộc ngành công nghệ thông tin đưa ra đề nghị Chính phủ bảo đảm sự bình đẳng các thành phần kinh tế khi tiếp cận các dự án công nghệ thông tin sử dụng vốn ngân sách để thu hút nguồn lực khu vực tư nhân vào đầu tư phát triển kinh tế số cùng với việc ban hành, rà soát các chính sách, quy định pháp luật. Chính sách cho các doanh nghiệp vận hành mô hình kinh doanh mới, đặc biệt là các doanh nghiệp phát triển kinh tế số, cần tiếp tục hoàn thiện cụ thể hơn.