Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg. |
Việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) bất ngờ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc vào hôm thứ Sáu tuần trước khiến giới phân tích "đoán già, đoán non" về những động thái tiếp theo nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh sự phục hồi bắt đầu có dấu hiệu chậm lại.
Theo dự báo của các chuyên gia được hãng tin Bloomberg khảo sát, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc trong quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái đạt 8% - một sự sụt tốc so với mức tăng kỷ lục 18,3% đạt được trong quý 1. Số liệu chính thức sẽ được Tổng cục Thống kê Trung Quốc đưa ra vào ngày thứ Năm tuần này.
TRUNG QUỐC GIẢM TỐC VÀ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KINH TẾ TOÀN CẦU
Việc PBOC bất ngờ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc có thể là một cách để đảm bảo tốc độ tăng trưởng không trượt sâu thêm. Kinh tế Trung Quốc giảm tốc sau một thời gian tăng vọt do cơ sở so sánh thấp là điều không nằm ngoài dự báo, nhưng các chuyên gia cho rằng sự giảm tốc này diễn ra hơi sớm và có thể ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới.
“Chắc chắn là nếu kinh tế Trung Quốc giảm tốc, ảnh hưởng đối với kinh tế toàn cầu sẽ lớn hơn so với cách đây 5 năm”, nhà nghiên cứu Rob Subbaraman thuộc Nomura nhận định. “Địa vị ‘mắc trước, thoát trước’ của Trung Quốc trong đại dịch Covid-19 cũng có thể dẫn tới kỳ vọng của thị trường rằng nếu kinh tế Trung Quốc chậm lại, các nền kinh tế khác cũng sớm rơi vào cảnh tương tự”.
Cuộc họp bộ trưởng của nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) ở Venice vào hôm thứ Bảy vừa rồi đã bày tỏ lo ngại về những nguy cơ có thể gây trệch hướng sự phục hồi còn mong manh của kinh tế toàn cầu, gồm các biến chủng mới của Covid-19 và tốc độ tiêm chủng còn chưa đồng đều.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 12/7 dẫn ý kiến của một số nhà phân tích nói rằng tăng trưởng kinh tế trong nước sẽ giảm tốc trong nửa sau của năm 2021 do sự phục hồi toàn cầu còn bấp bênh.
Ngoài ra, sự phục hồi chậm lại của kinh tế Trung Quốc cũng củng cố quan điểm cho rằng lạm phát giá nhà sản xuất (PPI) ở nước này có thể đã đạt đỉnh và giá hàng hoá cơ bản có thể tiếp tục “hạ nhiệt” sau đợt tăng nóng vừa qua.
“Sự giảm tốc tăng trưởng của Trung Quốc có thể đồng nghĩa với áp lực lạm phát giảm trên toàn cầu trong ngắn hạn, nhất là về nhu cầu đối với các kim loại công nghiệp và hàng hoá cơ bản”, chuyên gia kinh tế trưởng Wei Yao của Societe Generale nhận định.
Một bài toán nan giải của kinh tế Trung Quốc hiện nay là tại sao doanh thu bán lẻ vẫn yếu cho dù nước này đã kiểm soát được Covid-19. Có khả năng doanh thu bán lẻ của Trung Quốc tiếp tục giảm tốc trong tháng 6, theo dự báo của Bloomberg, do tâm lý người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi các biện pháp kiểm soát những ổ dịch Covid-19 lác đác.
TRUNG QUỐC SẼ KHÔNG NỚI LỎNG THÊM?
Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia kinh tế không xem việc PBOC giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc là sự khởi đầu của một chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ mới, hay một tín hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ triển khai thêm các biện pháp kích thích bằng tiền tệ.
Thay vào đó, tâm điểm chú ý của thị trường giờ đây đang hướng sang các biện pháp gồm nghiệp vụ thị trường mở nhằm đảm bảo thanh khoản cho thị trường, phát hành trái phiếu, và tăng chi tiêu tài khoá, để xác định nhà chức trách Trung Quốc sẽ kiểm soát sự giảm tốc tăng trưởng như thế nào trong thời gian còn lại của năm 2021.
“Tôi không cho rằng quan điểm chính sách tiền tệ của PBOC đã thay đổi. Họ vẫn thận trọng và đây không phải là sự bắt đầu của một chu kỳ mới lỏng”, nhà quản lý danh mục trái phiếu Morgan Lau thuộc Fidelity International nhận định. “Động cơ chính của PBOC khi cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc là hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng bởi lạm phát tăng vọt”.
Động thái giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của PBOC giải phóng lượng thanh khoản dài hạn khoảng 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 154 tỷ USD. Trong tuyên bố ngày 9/7 về việc cắt giảm này, PBOC nói mục đích là để hỗ trợ thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng và thị trường vốn, nhưng lập trường chính sách tổng quan là không thay đổi.
Cơ hội tiếp theo để các nhà đầu tư biết thêm chi tiết về lập trường chính sách của PBOC là vào ngày thứ Năm tuần này, khi PBOC đưa ra quyết định có gia hạn số khoản vay trung hạn với tổng trị giá 400 tỷ Nhân dân tệ chuẩn bị đáo hạn. Những khoản vay này là một phần trong chương trình cho vay được PBOC đẩy mạnh trong nửa cuối năm ngoái nhằm hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế từ Covid-19. Từ nay đến cuối năm 2021, 4,15 nghìn tỷ Nhân dân tệ của chương trình cho vay này sẽ lần lượt đáo hạn.
“Việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc có thể giúp tăng thanh khoản cho các ngân hàng, giảm lãi suất trên thị trường và giảm chi phí cho vay thực tế”, một báo cáo của UBS nhận định. “Chúng tôi tin rằng chính sách tiền tệ của Trung Quốc sẽ tiếp tục đi theo hướng bình thường hoá, bao gồm tăng trưởng tín dụng chậm lại và các quy chế thận trọng được siết dần lại”.
Trong nửa cuối năm nay, các ngân hàng trung quốc có thể cần thêm thanh khoản để mua trái phiếu chính phủ. Trong nửa đầu năm nay, tốc độ phát hành trái phiếu chính phủ Trung Quốc chậm lại so với cùng kỳ năm ngoái, đồng nghĩa việc phát hành cần được đẩy mạnh trong nửa cuối năm nay để đạt kế hoạch phát hành cả năm 4,5 nghìn tỷ USD.
“PBOC sẽ phải dựa nhiều hơn vào các cơ chế cho vay như cho vay trung hạn (MLF), tái cấp vốn và tái chiết khấu để cung cấp thanh khoản dài hạn nếu cần, để đáp ứng việc Chính phủ tăng cường phát hành trái phiếu”, chuyên gia kinh tế trưởng Lu Ting của Nomura Holdings nhận định.