Kinh tế Eurozone tăng trưởng ấn tượng nhưng còn nhiều thách thức

Nghiên cứu chính thức công bố ngày 29/11 cho thấy nền kinh tế 19 quốc gia Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng tốc và có nhiều bứt phá.
Ảnh minh họa. (Nguồn: socialeurope.eu)
Ảnh minh họa. (Nguồn: socialeurope.eu)

Hàng loạt chỉ số kinh tế vĩ mô tích cực được công bố gần đây cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng của Eurozone. Cụ thể, chỉ số niềm tin kinh tế (ESI) tăng từ 114,1 lên 114,6, mức tăng cao nhất kể từ tháng 10/2000 trong khi chỉ số công nghiệp cũng tăng tới mức cao kỷ lục, cùng với đó chỉ số tăng trưởng khu vực dịch vụ cũng cho thấy đà tăng trong năm 2017. 

Ủy ban châu Âu (EC) dự báo tăng trưởng của Eurozone năm nay sẽ đạt khoảng 2,2%. Thị trường lao động cũng được cải thiện với tốc độ mạnh mẽ hơn kể từ năm 2000. 

Giới chuyên gia nhận định, kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ toàn cầu năm 2008 đến nay, tăng trưởng bình quân của Eurozone chưa bao giờ mạnh như hiện nay. Theo Ban Giám đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), kinh tế Eurozone đã đạt mức tương đương với giai đoạn 1999-2000. Tăng trưởng thực tế diễn ra hơn cả mong đợi của thị trường đã tạo ra bất ngờ. 

Thực tế này cũng được đánh giá phù hợp với xu hướng chung của thế giới khi thương mại toàn cầu cũng gia tăng với tốc độ mạnh nhất kể từ 6 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, một điều rất tích cực là các "cỗ máy" kinh tế châu Âu đều theo đà tăng trưởng này. Giữa tháng 11, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận xét sự chênh lệch về tỷ lệ tăng trưởng giữa 19 nước thành viên thấp nhất trong vòng 2 thập kỷ qua. Trong một khu vực mà các quốc gia có lượng trao đổi thương mại nội bộ với nhau chiếm tỷ trọng rất lớn thì "sức khỏe" của một thành viên sẽ ảnh hưởng tới các thành viên còn lại. 

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định Eurozone vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Các quốc gia trong khu vực đều dự đoán lạm phát sẽ tăng chậm, chỉ số lạm phát lõi (không bao gồm các yếu tố dễ biến động như thực phẩm và năng lượng) của Eurozone trong năm nay dự đoán ở mức 1,5%, không đạt mục tiêu mà ECB đặt ra là xấp xỉ 2%. Điều này được cho là ảnh hưởng tới quyết định bình thường hóa chính sách tiền tệ của ECB và khiến các nhà hoạch định chính sách thất vọng. ECB được cho là sẽ tiếp tục chính sách mua trái phiếu (QE) cho tới tận tháng 9/2018 và sẽ duy trì lãi suất sát đáy thêm một thời gian dài nữa. 

Sự hỗ trợ bằng chính sách tiền tệ này được coi là cần thiết để không ảnh hưởng tiêu cực đến đà hồi phục trong bối cảnh lạm phát vẫn còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2%. Song việc duy trì lãi suất thấp cũng có những hệ lụy, góp phần hình thành nên các bong bóng trên một số thị trường như bất động sản tại các thành phố lớn. Đặc biệt, nếu xuất hiện một cuộc khủng hoảng mới, ECB sẽ không còn công cụ nào để đối phó. 

Ngoài ra, tuy tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực nhìn chung là giảm nhưng số người tìm việc làm trong giới trẻ và thất nghiệp dài hạn vẫn rất cao. Tại một số nước phía Nam, tỷ lệ thất nghiệp thường xuyên vượt 10% (17,4% ở Tây Ban Nha và 11,3% ở Italy). Trong khi đó, châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số và thiếu đầu tư vào lĩnh vực sáng tạo, hai điểm hạn chế khiến cho năng suất của nền kinh tế khu vực giảm sút. Nhiều năm sau khủng hoảng, một số nước như Italy vẫn trở lại mức tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của năm 2008. 

Nếu như hiệu ứng tăng trưởng của kinh tế thế giới qua đi, các quốc gia này không bắt kịp đà thì tăng trưởng của Eurozone sẽ có nguy cơ lại hụt hơi sau năm 2020. Việc một số nước khó giảm được nợ công cũng là một nguy cơ tiềm tàng, nợ công Italy và Bồ Đào Nha đã vượt quá 130% GDP./.

Chuyên đề