Kinh tế đang hồi phục nhanh hơn kỳ vọng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khi thế giới đang tìm cách “tái thiết” sau đại dịch Covid-19, những bài học trong lịch sử luôn trở thành “kho báu”.
Sự quyết tâm của các nhà làm chính sách tại các quốc gia trong việc đối diện với đại dịch Covid-19 được đánh giá rất tích cực
Sự quyết tâm của các nhà làm chính sách tại các quốc gia trong việc đối diện với đại dịch Covid-19 được đánh giá rất tích cực

Phép màu kinh tế?

Trong quãng thời gian khoảng vài thập kỷ sau khi Chiến tranh thế giới thứ II, kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh mẽ từ khủng hoảng, với tốc độ khoảng 4%/năm tại Mỹ, 5%/năm tại Tây Âu và 8%/năm tại Nhật Bản suốt từ những năm 1950 cho tới 1970. Quãng thời gian sau các cuộc suy thoái lớn đều được nhắc tới như “phép màu” với nhiều kỳ tích.

Trước tiên, cần khẳng định, không hề tồn tại phép màu. Thành công trong vực dậy nền kinh tế tới từ những hành động quyết liệt của các tổ chức toàn cầu, chính phủ các quốc gia và cộng đồng doanh nghiệp. Cả 3 yếu tố này cùng kéo nền kinh tế về một hướng, từ đó tạo nên những cơ hội rộng mở và hiệu quả công việc cao hơn.

Mặc dù có những khác biệt giữa cuộc khủng hoảng vì đại dịch Covid-19 năm 2020 và các cuộc khủng hoảng trước đây, nhưng những nỗ lực tương tự luôn cần thiết để đưa bánh xe kinh tế bước vào giai đoạn hồi phục và tăng trưởng.

Bài học gần nhất chính là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 - 2008. Cuộc đại suy thoái 2007 - 2008 là một trong những cuộc khủng hoảng nặng nề nhất của nền kinh tế Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ II, bắt đầu bằng những bất ổn tại thị trường bất động sản và tài chính. Để vượt qua khủng hoảng, nước Mỹ nói riêng và nhiều quốc gia khác trên toàn cầu đã làm gì?

Trước tiên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhanh chóng nhập cuộc và yêu cầu nhiều tổ chức tài chính cùng tham gia. Từ tháng 3/2008, FED bắt đầu hàng loạt gói cứu trợ. Đầu tiên là tiến hành các gói mua tài sản trị giá 50 tỷ USD. Mục tiêu bơm thêm 100 tỷ USD vào nền kinh tế thông qua các thoả thuận mua bán tài sản. Cho vay 200 tỷ USD trái phiếu để hỗ trợ những nhà buôn trái phiếu. Hạ lãi suất 0,75%, xuống còn 2,25%.

FED cho phép JP Morgan Chase mua lại Bear Stearn để tránh cho công ty này khỏi phá sản. Khi đó, Bear Stearn sở hữu khối tài sản là cổ phiếu, chứng khoán… có giá trị lên tới khoảng 10 nghìn tỷ USD, nhưng đa phần là nợ xấu. Nếu Công ty phá sản, đống chứng khoán này trở thành vô giá trị. Bên cạnh đó, FED yêu cầu Fannie Mae và Freddie Mac - 2 doanh nghiệp có sở hữu nhà nước tham gia mua tài sản tại thị trường thứ cấp - tiến hành mua các khoản nợ bất động sản từ các nhà băng. Tính tới cuối tháng 6/2008, giá trị các khoản mua tài sản đã lên tới 1,2 nghìn tỷ USD.

Tuy nhiên, những nỗ lực ban đầu này là không đủ. Tháng 7/2008, IndyMac Bank phá sản; tới tháng 9, Ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ tạo cú sốc trên toàn cầu. Tới lúc này, FED đã phải chi 85 tỷ USD mua lại 80% số cổ phần công ty bảo hiểm toàn cầu AIG nhằm tiến hành cứu trợ khẩn cấp.

Tháng 9/2008, nền kinh tế Mỹ gần như đổ sụp: nhà đầu tư rút ra số tiền kỷ lục 172 tỷ USD từ các tài khoản ngân hàng trong 1 tuần; Washington Mutual Bank cũng bất ngờ phá sản khi người dân hoảng loạn đi rút 16,7 tỷ USD trong 10 ngày… Goldman Sachs và Morgan Stanley - 2 ngân hàng đầu tư thành công bậc nhất phố Wall - nộp đơn xin trở thành ngân hàng thương mại thông thường và muốn nhận được sự bảo vệ của FED. Cùng thời gian này, thị trường chứng khoán lao dốc chóng mặt khi gói cứu trợ mới chưa được thông qua. Chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 770 điểm. Tới thời điểm này, khủng hoảng tài chính tại nước Mỹ đã lan rộng ra toàn cầu, tạo nên những cú sốc tại nhiều quốc gia.

Theo Tạp chí Harvard Business Review, có 3 yếu tố chính khiến nền kinh tế toàn cầu hồi phục nhanh hơn so với các dự báo. Thứ nhất, đây là cuộc khủng hoảng xuất phát từ nguyên nhân tự nhiên. Thứ hai là sự kịp thời của các chính sách đối phó. Thứ ba, cấu trúc nền kinh tế được giữ vững. Cho tới nay, dịch Covid-19 vẫn chưa thể tác động tới các trụ cột kinh tế vĩ mô, bởi vậy chưa có những ảnh hưởng lớn tới cấu trúc nền kinh tế.

Tháng 10/2008, Quốc hội Mỹ chấp thuận gói cứu trợ trị giá 700 tỷ USD. Thông tin tích cực này không đủ sức cứu các thị trường tài chính. Ngày 6/10, các thị trường chứng khoán toàn cầu lần lượt đổ sụp.

Ngày 8/10, FED đồng ý cho vay trực tiếp ngắn hạn đối với các doanh nghiệp không thể tiếp cận nguồn vốn, khi hàng loạt ngân hàng sụp đổ. Gói vay trị giá 1,7 nghìn tỷ USD với lãi suất hạ từ 4% xuống 2%. Các ngân hàng trung ương toàn cầu vào cuộc. Cụ thể, FED, Ngân hàng trung ương châu Âu, Canada, Anh, Thụy Điển và Thụy Sỹ cùng hạ lãi suất 0,5%. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hạ lãi suất 0,27%. Mục tiêu của động thái này là hạ lãi suất Libor (chi phí cho vay ngắn hạn giữa các ngân hàng), từ đó hạ chi phí vốn của các nhà băng. Lãi suất liên ngân hàng qua đêm cũng giảm mạnh.

Ngày 14/10/2008, EU, Nhật Bản và Mỹ có động thái “vô tiền khoáng hậu”: EU cam kết chi 1,8 nghìn tỷ USD đảm bảo cho các khoản tài chính của ngân hàng, mua cổ phiếu nhằm giúp cổ phiếu nhà băng khỏi đà lao dốc và thực hiện mọi biện pháp cần thiết để các nhà băng có thể vay vốn lẫn nhau. Anh cam kết dành 88 tỷ USD mua cổ phiếu của các nhà băng và 438 tỷ USD đảm bảo các khoản vay. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đồng ý cho vay không giới hạn khoản vay bằng USD và tạm ngừng chương trình bán ra cổ phiếu nhà băng.

Ngày 21/10/2008, FED cho vay 540 tỷ USD để thực hiện các gói cứu trợ thị trường tiền tệ. Kể từ tháng 8 tới tháng 10/2008, người gửi tiền đã rút ra hơn 500 tỷ USD. FED thành lập Quỹ hỗ trợ nhà đầu tư thị trường tiền tệ (MMIFF) do JPMorgan Chase quản lý. MMIFF mua các tài sản với giá trị tới 600 tỷ USD bao gồm giấy tờ có giá, trái phiếu ngân hàng. Tới cuối tháng 10, FED bất ngờ hạ lãi suất xuống còn 0% - 0,25%, mức thấp nhất cho tới thời điểm đó.

Tháng 11/2008, tình hình vẫn chưa bớt khó khăn. Ngày 18/11, các nhà sản xuất ô tô gồm GM, Ford, Chrysler nộp đơn đề nghị được cấp gói cứu trợ 50 tỷ USD. Ngày 21/11, Fed chấp thuận gói vay trị giá lên tới 1,3 nghìn tỷ USD đảm bảo việc các nhà băng có thể vay lẫn nhau, khoảng 1,2 triệu người thất nghiệp được nhận thêm 3 tháng tiền lương/trợ cấp. Cuối tháng 11, thị trường nợ tín dụng, vay mua ô tô và vay nợ sinh viên trị giá 1 nghìn tỷ USD được đặt lệnh “tạm ngừng” để tránh tình trạng vỡ nợ cá nhân hàng loạt.

Tháng 12/2008, Bộ Tài chính Mỹ bơm 105 tỷ USD vào quỹ dành cho 8 nhà băng, lãi suất được hạ xuống mức 0% và thêm 3 gói cứu trợ nữa được thông qua.

Năm 2009 và những năm sau đó, nền kinh tế Mỹ và nhiều quốc gia khác dần quay trở lại chu kỳ hồi phục và tăng trưởng. Trong giai đoạn từ quý IV/2008 tới quý IV/2014, nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc lần lượt tăng trưởng 12% và 65%.

Có nhiều bài học được rút ra sau đại suy thoái 2007 - 2008, trong đó phải nhắc tới một kinh nghiệm mà nhà lãnh đạo các quốc gia đã nhận ra: Vấn đề toàn cầu cần sự chú ý của cả thế giới. Một quốc gia riêng lẻ không đủ sức cứu vớt những cú sốc lớn.

Hồi phục nhanh hơn kỳ vọng

Đại dịch Covid-19 dẫn tới tình trạng đóng cửa/giãn cách xã hội trên toàn cầu, thổi bùng lên sự sợ hãi và mối lo ngại về suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, đà hồi phục tại nước Mỹ và các nền kinh tế trên toàn cầu mạnh mẽ hơn, nhanh hơn so với nhiều dự báo được đưa ra trước đó.

Kể từ khi xuất hiện cho tới nay, đại dịch Covid-19 đã khiến mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh, cũng như đời sống con người bị đảo lộn. Hàng loạt kỷ lục tiêu cực được thiết lập, từ cú sốc của các thị trường tài chính vào tháng 3/2020 cho tới mức tăng trưởng âm tại nhiều quốc gia. Tỷ lệ thất nghiệp - một trong những thước đo sức khỏe của nền kinh tế - được dự báo sẽ ở mức cao nhất trong lịch sử nước Mỹ tính tới cuối năm 2021.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều lý do để duy trì niềm tin vào sức mạnh của nền kinh tế. Thực tế cho thấy, dù tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt nhưng nhanh chóng có sự cải thiện với tốc độ tích cực. Thị trường bất động sản chứng tỏ sức bền một cách đáng ngạc nhiên khi giá cả hầu như không giảm và các hoạt động bán hàng đã khôi phục, quay trở về ngưỡng tương đương trước đại dịch. Nhiều ngành nghề cũng có diễn biến tương tự. Thậm chí, tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý III/2020 ở mức cao nhất trong lịch sử các quý đã qua.

Theo Tạp chí Harvard Business Review, có 3 yếu tố chính khiến nền kinh tế toàn cầu hồi phục nhanh hơn so với các dự báo. Thứ nhất, đây là cuộc khủng hoảng xuất phát từ nguyên nhân tự nhiên. Dù “cay đắng” nhưng phải nói rằng, cú sốc do Covid-19 gây ra “dễ chịu” hơn đối với nền kinh tế so với các cú vỡ bong bóng đầu tư, khủng hoảng tài chính, sai lầm chính sách…, vốn là nguyên nhân gây ra suy thoái năm 2001 và 2008.

Thứ hai là sự kịp thời của các chính sách đối phó. Tốc độ, quy mô và sự quyết tâm của các nhà quản lý trong việc đối diện với đại dịch được đánh giá rất tích cực. Dù có nhiều tranh cãi về việc kiểm soát đại dịch tại Mỹ, châu Âu và một số khu vực khác, nhưng các nhà làm chính sách tại đây đã nhanh chóng cung cấp các gói hỗ trợ quy mô lớn, ngăn chặn sự đổ vỡ của hệ thống doanh nghiệp cũng như đời sống cá nhân. Từ đó, trụ cột của nền kinh tế được gia cố trước tác động từ đại dịch.

Thứ ba, cấu trúc nền kinh tế được giữ vững. Nền kinh tế thế giới vừa trải qua một giai đoạn khá ổn định. Câu chuyện về đầu tư quá mức, bong bóng bất động sản, bong bóng tài chính… chưa hiện hữu. Cho tới nay, dịch Covid-19 vẫn chưa thể tác động tới các trụ cột kinh tế vĩ mô, bởi vậy chưa có những ảnh hưởng lớn tới cấu trúc nền kinh tế.

Chuyên đề