Kinh tế 2024: Nhận diện triển vọng và thách thức

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số tổ chức nghiên cứu dự báo, kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ tăng trưởng khả quan ở mức trên 6%. Các động lực chính cho tăng trưởng là sự hồi phục của nhu cầu trong nước và thế giới, đầu tư tư nhân tăng tốc, thị trường tài chính và thị trường bất động sản trở lại hoạt động tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số yếu tố thách thức với kinh tế Việt Nam như rủi ro về gián đoạn chuỗi cung ứng, tình trạng nợ xấu tăng có thể gây khó cho hoạt động cấp vốn tín dụng.
Kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc vào năm tới nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất và xuất khẩu, thị trường bất động sản… Ảnh: Tuấn Anh
Kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc vào năm tới nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất và xuất khẩu, thị trường bất động sản… Ảnh: Tuấn Anh

Tại báo cáo về triển vọng tăng trưởng kinh tế vừa công bố, nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán VNDIRECT dự báo quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam sẽ tăng tốc vào năm tới và dự báo mức tăng trưởng GDP năm 2024 là 6,3%. Theo đó, yếu tố hỗ trợ đáng chú ý là hoạt động sản xuất và xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ hơn nhờ đơn đặt hàng bên ngoài tăng trong bối cảnh lạm phát giảm và mức tồn kho giảm ở các thị trường phát triển. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng khoảng 7% trong năm tới, cải thiện từ mức giảm (dự kiến) là 4,7% vào năm 2023. Ngoài ra, dòng vốn FDI vào Việt Nam cải thiện trong nửa cuối năm 2023 và những năm tiếp theo, góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi của hoạt động sản xuất, xuất khẩu.

Theo sau sự phục hồi của ngành công nghiệp, việc làm và tiền lương sẽ được cải thiện vào năm 2024, góp phần củng cố nhu cầu trong nước. Hơn nữa, việc Chính phủ thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 sẽ có tác động lớn đến những người được hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách nhà nước. Đây là những yếu tố góp phần kích thích cầu tiêu dùng trong nước.

Một yếu tố hỗ trợ đáng chú ý khác là sự hồi phục của thị trường bất động sản nhờ nỗ lực tháo gỡ các vướng mắc pháp lý của Chính phủ và các địa phương. Cụ thể, TP.HCM cho biết đã giải quyết được 30% dự án bất động sản vướng mắc pháp lý, trong khi Hà Nội cũng giải quyết xong vướng mắc pháp lý cho khoảng 60% dự án.

Thêm vào đó, sự phục hồi của lĩnh vực đầu tư tư nhân trong năm 2024 được kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực cho tăng trưởng của cả nền kinh tế. Theo đó, trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ triển khai dự án mới và mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước ngày càng tăng và sự phục hồi của các đơn hàng xuất khẩu. Lãi suất cho vay thấp hơn, điều kiện tài chính toàn cầu được nới lỏng hơn vào nửa cuối năm 2024 và sự phục hồi của thị trường bất động sản sẽ thúc đẩy làn sóng đầu tư tư nhân mới.

Tại báo cáo nghiên cứu công bố gần đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam ở mức 6%. Theo ADB, rủi ro với đà tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới là khả năng phục hồi yếu hơn dự kiến của nhu cầu từ thị trường quốc tế, các quốc gia lớn duy trì chính sách lãi suất cao có thể góp phần gây bất ổn tài chính tại các nền kinh tế dễ bị tổn thương trong khu vực, khả năng gián đoạn nguồn cung do hiện tượng thời tiết El Nino hoặc xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp tục kích hoạt lạm phát, đặc biệt liên quan đến lương thực và năng lượng.

Trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ triển khai dự án mới và mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước ngày càng tăng và sự phục hồi của các đơn hàng xuất khẩu. Ảnh: Tuấn Anh

Trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ triển khai dự án mới và mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước ngày càng tăng và sự phục hồi của các đơn hàng xuất khẩu. Ảnh: Tuấn Anh

Trao đổi với Báo Đấu thầu, GS. TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann (FNF) tại Việt Nam cho rằng, điểm đáng chú ý nhất với kinh tế Việt Nam hiện nay là quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc thực thi một loạt hiệp định thương mại tự do, nhờ đó, dòng vốn đầu tư vào Việt Nam ngày càng gia tăng và đối tác thương mại ngày càng đa dạng.

Dù vậy, theo ông Stoffers, trong năm tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với các rủi ro từ bên ngoài. Theo đó, kinh tế toàn cầu đã dần hồi phục trong năm 2023, song những bất ổn địa chính trị dai dẳng có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, tác động bất lợi tới thương mại quốc tế và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, tình trạng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng gia tăng có thể gây khó cho hoạt động cấp tín dụng cho doanh nghiệp. Những khó khăn của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cũng có thể gây trở ngại với sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Do đó, vị chuyên gia của FNF nhấn mạnh, cần nhận diện những trở ngại này và giải quyết một cách thấu đáo, quyết liệt với những kế hoạch có mục tiêu cụ thể.

Ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế quốc tế cấp cao của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) nhận định, triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm sau “trông cậy” đáng kể vào sự hồi phục của thương mại toàn cầu. Bên cạnh đó, sức khỏe của ngành bất động sản cũng đóng vai trò quan trọng vì lĩnh vực này thu hút hàng nghìn lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp trong các lĩnh vực khác. Lĩnh vực bất động sản cũng là cơ hội phát triển quan trọng đối với Việt Nam. Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa, nghĩa là nhu cầu về các khu đô thị, nhà ở lành mạnh và an toàn đang gia tăng. Trong khi đó, đang có sự bất cân xứng giữa cung và cầu.

Mặt khác, Việt Nam đang ở trong quá trình công nghiệp hóa nên nhu cầu về lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ và các ngành thâm dụng tri thức đang tăng nhanh. Trong khi đó, sinh viên ở các trường đại học tăng về lượng nhưng đầu tư cho giáo dục bậc cao của Việt Nam vẫn thấp hơn các nước khác. Sự kiện Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện sẽ khuyến khích quá trình chuyển giao công nghệ, nhưng nếu không thể tuyển đủ nguồn nhân lực có kỹ năng tốt thì các công ty công nghệ cao sẽ không mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ Trung Quốc để nâng cấp chất lượng đào tạo tại các trường đại học trong nước gắn với việc tăng cường đầu tư để thu hút các nhà khoa học Việt Nam hiện đang giảng dạy và làm việc ở nước ngoài trở về quê hương.

Chuyên đề