Cần có giải pháp tổng thể để nâng cao sức cạnh tranh, trong đó có vấn đề nguồn nhân lực. Ảnh: Minh Khuê |
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh nhấn mạnh thông điệp này tại Diễn đàn Bền vững Việt Nam với chủ đề “Thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội toàn diện để phát triển bền vững” diễn ra ngày 18/1, tại Hà Nội.
Thực hiện mục tiêu kép
Thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội toàn diện phục vụ phát triển bền vững là mục tiêu kép cho phát triển kinh tế - xã hội. Từ năm 2004, Việt Nam đã ban hành Chương trình nghị sự 21 với định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam gắn với ba lĩnh vực: kinh tế, xã hội và môi trường. Giai đoạn 2011 - 2020, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã xác định ba khâu đột phá mang tính chiến lược, tạo tiền đề cấu trúc lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phát triển theo hướng bền vững. Phát triển bền vững đã trở thành một phương thức phát triển tổng hợp đa ngành, liên ngành, thành chương trình hành động với nhiều tiêu chí ngày càng cụ thể và rõ nét.
Với nỗ lực trên, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho biết, kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển tích cực trong giai đoạn vừa qua. Riêng năm 2018, tăng trưởng kinh tế đạt trên 7% - mức cao nhất khu vực; thặng dư thương mại trên 7 tỷ USD… “Đặc biệt, nếu như ở giai đoạn đầu cải cách, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam lớn, trên 60%, thì nay tỷ lệ này giảm chỉ còn hơn 7%. Đây là kết quả của quá trình theo đuổi mục tiêu kép, đó là vừa phát triển kinh tế đất nước, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, song vẫn giải quyết những vấn đề của an sinh xã hội”, Thứ trưởng Mạnh chia sẻ.
Trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang bùng nổ, biến đổi khí hậu… được dự báo sẽ có tác động không nhỏ tới Việt Nam, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh nhận định, Việt Nam đang ở một thời điểm rất quan trọng, hoặc là tiếp tục tăng trưởng nhanh, duy trì đà phát triển để trở thành nước thu nhập trung bình cao vào những năm 2030, hoặc là rơi vào bẫy thu nhập trung bình nếu không giải quyết câu chuyện về an sinh, môi trường, phân bổ nguồn lực hợp lý.
Xác định quan điểm phát triển để ổn định thay vì quan điểm ổn định để phát triển của giai đoạn trước, thời gian tới, chính sách phát triển bền vững của Việt Nam cần có các giải pháp đủ mạnh trong các lĩnh vực quyết định như: nguồn nhân lực; chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu; nông nghiệp thông minh; giải pháp về môi trường và công nghiệp 4.0.
Hóa giải thách thức nguồn nhân lực
Để đảm bảo phát triển bền vững, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho rằng, việc xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng và phù hợp chính là chìa khóa của thành công. Điều này đặc biệt đúng trong môi trường khoa học công nghệ thay đổi liên tục và ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0 có thể đưa đến thay đổi cơ bản về cơ cấu kinh tế, lao động và phương thức sản xuất.
Báo cáo Công nghệ và tương lai của việc làm ASEAN - Tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) công bố tháng 9/2018 dự báo, trong 10 năm tới, rất có thể 7,5 triệu việc làm tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất sẽ bị AI thay thế. Nhiều việc làm mới cũng xuất hiện thay thế việc làm hiện tại…
Lo ngại về chất lượng nguồn nhân lực, bà Lê Thị Kim, Giám đốc nhân sự và thuê ngoài khu vực miền Bắc thuộc Tập đoàn Manpower cho biết, đang có khoảng cách lớn về kỹ năng trong lao động Việt Nam. Theo bà Kim, hiện Việt Nam có 57 triệu việc làm, nhưng chỉ 11% trong số đó có kỹ năng cao, 40% trung bình, còn lại không có kỹ năng. Về ngoại ngữ, mới chỉ có khoảng 5% lao động thành thạo tiếng Anh.
Vậy làm thế nào giải quyết thách thức về nguồn nhân lực phục vụ tăng trưởng bền vững? Làm thế nào để cân bằng cơ hội khổng lồ mà CMCN 4.0 mang lại và cân bằng bất bình đẳng?
Gợi ý gỡ nút thắt này, bà Caitlin Wiesen - Giám đốc Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần có giải pháp tổng thể để nâng cao sức cạnh tranh, trong đó có vấn đề nguồn nhân lực. “Xây dựng các nền tảng bao trùm thúc đẩy đổi mới sáng tạo; nuôi dưỡng các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh; tái thiết kế hệ thống giáo dục nhanh và hệ thống phát triển kỹ năng sống cho người Việt Nam…” - bà Caitlin Wiesen khuyến nghị.
Một số ý kiến khác cho rằng, điều quan trọng là nâng cao kỹ năng cho người lao động khi có những dấu hiệu cho thấy sự thay thế ngành nghề đang diễn ra ở Việt Nam. Việc nâng cao kỹ năng có thể bằng nhiều cách, chẳng hạn như kết hợp đối tác công tư để hỗ trợ xã hội đạt được tính bao trùm, từ đó đạt được những phân công hợp lý hơn, đảm bảo người lao động được đào tạo bài bản để thực hiện những công việc mới.