Kiến nghị vô tội vạ, cần ràng buộc trách nhiệm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số địa phương cho biết, nhiều nhà thầu do không nắm chắc quy định về kiến nghị, thiếu trách nhiệm trong việc kiến nghị, kiến nghị nhiều nội dung không đúng, sau khi được giải thích, làm rõ đã rút lại kiến nghị hoặc không kiến nghị tiếp nữa. Theo các chuyên gia, cần tăng cường cơ chế ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của nhà thầu với các nội dung kiến nghị trong đấu thầu.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Kạn cho biết, một số kiến nghị của nhà thầu trên địa bàn phát sinh là do nhà thầu không nắm được quy định về thời gian, về thẩm quyền và không hiểu rõ về các nội dung mà mình kiến nghị. Sau khi được các cơ quan chức năng hướng dẫn, chấn chỉnh và giải thích, nhà thầu kiến nghị đã rút các kiến nghị, khiếu nại.

UBND tỉnh Cao Bằng cho hay, trong năm 2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư có nhận được 2 đơn kiến nghị và 3 văn bản phản ánh trong lĩnh vực đấu thầu. Sau khi yêu cầu các chủ đầu tư liên quan giải trình, báo cáo về sự việc, các nhà thầu hoặc rút lại đơn kiến nghị hoặc không tiếp tục kiến nghị, khiếu nại.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua, Sở này tiếp nhận một số kiến nghị của nhà thầu, trong đó có những nội dung kiến nghị không đúng thẩm quyền, có nội dung kiến nghị không thể kiểm chứng và cũng có những nội dung kiến nghị sai sự thật. Khi được chủ đầu tư/bên mời thầu giải quyết thì hầu hết các nhà thầu chấp nhận kết quả.

Quá trình tiếp nhận và xử lý nhiều phản ánh của nhà thầu qua đường dây nóng Báo Đấu thầu cũng cho thấy, có không ít lần nhà thầu vừa khiếu nại đã vội vàng “thoái lui”, thậm chí có nhà thầu còn gửi cả văn bản “xin rút lại văn bản kiến nghị” đã gửi. Trả lời phóng viên Báo Đấu thầu về việc “rút lui” sau khi kiến nghị, có nhà thầu cho biết, do nhân viên đi mua hồ sơ mời thầu phản ánh không chính xác sự việc, trình văn bản kiến nghị vội vàng (phó giám đốc công ty ký ban hành), sau đó giám đốc công ty lại ra văn bản xin rút lại nội dung kiến nghị trước đó. Cũng có trường hợp nhà thầu “quá tam ba bận” kiến nghị công tác lựa chọn nhà thầu của chủ đầu tư, nhưng khi sở kế hoạch và đầu tư vào cuộc xử lý thì lại không kiến nghị nữa.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số chủ đầu tư “ca thán” về việc một số nhà thầu có động cơ không đàng hoàng khi thực hiện kiến nghị trong đấu thầu, dùng kiến nghị để làm khó chủ đầu tư, để trục lợi và đòi chia quyền lợi với nhà thầu trúng thầu. Có nhà thầu còn ra điều kiện với chủ đầu tư là sẽ làm văn bản rút kiến nghị nếu được chi trả một khoản tiền nhất định, nếu không sẽ tiếp tục kiến nghị.

Một chuyên gia về đấu thầu cho rằng, pháp luật đã có những quy định để ràng buộc trách nhiệm đối với nhà thầu kiến nghị, đó là nhà thầu phải chịu trách nhiệm về những nội dung khiếu nại, tố cáo của mình theo quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Nhà thầu phải nộp một khoản chi phí để Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu (Điều 92 Luật Đấu thầu, Điều 119 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP), mục đích là nhằm gắn trách nhiệm của nhà thầu với việc kiến nghị. Tuy nhiên, trên thực tế, một số nhà thầu có nội dung kiến nghị đúng nhưng không nắm chắc quy định về việc phải nộp chi phí (nộp đơn kiến nghị nhưng không nộp phí giải quyết kiến nghị) nên kiến nghị không được giải quyết.

Về câu chuyện này, ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhiều chuyên gia đấu thầu của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á mong muốn Việt Nam có cơ quan độc lập trong giải quyết kiến nghị của nhà thầu để công tác này được công khai, minh bạch. Việc có một cơ quan giải quyết kiến nghị độc lập sẽ ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của nhà thầu kiến nghị, đã kiến nghị thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, không phải thích thì kiến nghị, không thích thì “rút lui”. Hơn nữa, cơ chế giải quyết kiến nghị hiện nay trao trách nhiệm cho chủ đầu tư là cấp giải quyết kiến nghị trực tiếp. Trong khi đó, đa số các chủ đầu tư đều không muốn “dây dưa” với nhà thầu kiến nghị nên có thể tìm cách “thỏa hiệp”, khiến việc kiến nghị của nhà thầu cũng như cách thức giải quyết kiến nghị khó minh bạch.

Chuyên đề