Mô hình nào xử lý hiệu quả kiến nghị trong đấu thầu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số kết quả nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, để cải thiện chất lượng giải quyết kiến nghị trong đấu thầu mua sắm công, bên cạnh việc thực thi đầy đủ các chế tài, tăng cường đấu thầu qua mạng, cần thành lập cơ quan hành chính độc lập chuyên trách xử lý kiến nghị trong đấu thầu.
Hiện nay, việc giải quyết kiến nghị của nhà thầu thường do bên mời thầu xử lý. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Hiện nay, việc giải quyết kiến nghị của nhà thầu thường do bên mời thầu xử lý. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay Việt Nam chưa có cơ quan hành chính độc lập, chuyên trách xử lý kiến nghị trong đấu thầu nên có thể học hỏi kinh nghiệm của một số nước khác trên thế giới. Việc xây dựng cơ quan này thường gắn với việc thực thi thông lệ quốc tế về mua sắm công và đây cũng là động lực để Việt Nam thúc đẩy cải cách.

Theo ghi nhận ý kiến của một số nhà thầu, mô hình hoạt động và nguyên tắc tổ chức của cơ quan hành chính độc lập chuyên trách xử lý kiến nghị trong đấu thầu sẽ không bị can thiệp trong quá trình giải quyết kiến nghị; thường xuyên giải trình trước công luận về kết quả giải quyết và phải bồi thường nếu đưa ra kết quả giải quyết sai.

Theo mong muốn của các nhà thầu, cơ quan này có thẩm quyền giải quyết kiến nghị trong đấu thầu và kết quả giải quyết được thừa nhận; là quyết định giải quyết cuối cùng; nhân sự không phụ thuộc vào nhiệm kỳ; có ngân sách hoạt động riêng và đủ lớn để giải quyết kiến nghị của nhà thầu thường xuyên. Hoạt động của cơ quan này bị giám sát bởi cơ quan tư pháp, kiểm toán và có quyền giám sát cơ quan thi hành án. Cơ quan độc lập này có bộ phận giám sát việc xử lý kiến nghị trong đấu thầu để đảm bảo các kiến nghị của nhà thầu không bị bỏ qua; là kênh giải quyết kiến nghị thân thiện, dễ dàng nhưng đảm bảo thông tin kiến nghị được giải quyết chính xác và công bằng. Tuy nhiên, cơ quan này sẽ không tự xử lý các khiếu nại đối với chính mình.

Việc thành lập một cơ quan độc lập chuyên trách xử lý kiến nghị trong đấu thầu được nhiều nhà thầu và bên mời thầu kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết kiến nghị công bằng, đúng pháp luật, công khai, nhanh chóng, thủ tục đơn giản và chi phí giải quyết kiến nghị thấp. Theo ý kiến của nhiều nhà thầu, nơi thích hợp nhất để đặt cơ quan hành chính độc lập giải quyết kiến nghị trong đấu thầu là Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ngoài ra, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu cho biết, để cải thiện chất lượng giải quyết kiến nghị trong đấu thầu, cần cải cách thủ tục kiến nghị đơn giản, dễ áp dụng; có chế tài để thời gian xử lý nhanh, giảm chi phí cho doanh nghiệp; đồng thời tăng cường đấu thầu qua mạng, mua sắm tập trung để giảm bớt sự can thiệp chủ quan trong quá trình tổ chức đấu thầu.

Nhiều nhà thầu nêu ý kiến, cần phải có chế tài và cơ chế giám sát việc xử phạt nặng chủ đầu tư khi đưa ra các tiêu chí thiếu công bằng đối với nhà thầu, có hành vi vi phạm pháp luật... Hiện nay, việc giải quyết kiến nghị của nhà thầu thường do bên mời thầu xử lý, trong khi đây là cấp thường có hành vi vi phạm về đấu thầu nên quá trình xử lý kiến nghị của nhà thầu rơi vào “bế tắc”. Trước mắt, cần tăng cường công khai, minh bạch thông tin ở tất cả các khâu trong tổ chức đấu thầu để tránh thiên vị, dàn xếp, đặc quyền đặc lợi trong đấu thầu; kiến nghị đấu thầu và giải quyết kiến nghị trong đấu thầu được thực hiện online, cập nhật thường xuyên và tra cứu thông tin dễ dàng…

Chuyên đề