Kiên định với “mục tiêu kép”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cùng với quyết liệt phòng, chống, không để dịch bệnh lây lan, cần tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu tác động của dịch bệnh. Kết hợp đồng bộ, hiệu quả các chính sách, nhất là chính sách tài chính và tiền tệ để kích thích mạnh mẽ tổng cầu, trong đó lưu ý quy mô, phạm vi đủ lớn, phương thức hỗ trợ phù hợp, hiệu quả để tạo ngay động lực tăng trưởng, bảo đảm mục tiêu, định hướng.
Cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét việc gia hạn thời gian thực
hiện một số chính sách, giải pháp nhằm khắc phục hậu quả của Covid-19, bảo đảm
sản xuất và an sinh xã hội. Ảnh: Lê Tiên
Cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét việc gia hạn thời gian thực hiện một số chính sách, giải pháp nhằm khắc phục hậu quả của Covid-19, bảo đảm sản xuất và an sinh xã hội. Ảnh: Lê Tiên

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh quan điểm điều hành nền kinh tế trong các tháng còn lại của năm 2020 tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020 diễn ra ngày 3/8/2020.

Kinh tế tháng 7 hồi phục tích cực

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong tháng 7, một số ngành, lĩnh vực đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là phát triển thị trường trong nước, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, công tác giải ngân đầu tư công… Kinh tế tháng 7 tuy không tăng mạnh, đột phá nhưng nhiều chỉ số vẫn thể hiện kết quả tốt hơn so với tháng 6.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điểm ra nhiều dấu hiệu đáng mừng về sự hồi phục của nền kinh tế trong tháng 7. Đó là hoạt động bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiếp tục hồi phục, tăng đến 3,3% so với tháng 6 và tăng đến 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ chính sách kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa. Xuất siêu cao nhất trong 4 năm qua với điểm sáng là khu vực kinh tế trong nước. Thu hút FDI được cải thiện, 7 tháng đầu năm đạt 18,8 tỷ USD, giảm so với cùng kỳ 2019 nhưng riêng tháng 7 đạt 10,1 tỷ USD, cho thấy xu hướng phục hồi và Việt Nam đang tận dụng cơ hội dịch chuyển vốn đầu tư. Giải ngân vốn đầu tư công tháng 7 tăng tích cực nhất, tăng gần 52% so với cùng kỳ năm trước. Lãi suất tiếp tục xu hướng giảm, đứng ở mức thấp nhờ thanh khoản dồi dào. Tình hình phát triển doanh nghiệp trong tháng tiếp tục được cải thiện; doanh nghiệp đã bắt đầu thích nghi với tình hình mới và quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng tăng 79,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhắc đến một số ý kiến cho rằng tăng trưởng 2 - 3% trong năm nay cũng là một cố gắng, thành công rất lớn, Thủ tướng khẳng định: “Chúng ta muốn tăng trưởng cao hơn nữa, nhưng tình hình thế giới tăng trưởng âm, những đối tác lớn bị ảnh hưởng, cả cung và cầu đều yếu, nên tăng trưởng của chúng ta ở mức độ vừa phải. Cùng với đó, cố gắng giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn để củng cố niềm tin, góp phần ổn định xã hội”.

Nghiên cứu gia hạn, bổ sung chính sách khắc phục hậu quả của dịch

Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho thấy, tuy có nhiều dấu hiệu đáng mừng, nhưng đi kèm với đó cũng là một số tín hiệu đáng lo ngại. Suy giảm về tăng trưởng kinh tế có thể còn tiếp tục do kinh tế thế giới còn rất bất định và khả năng phục hồi sẽ chậm hơn so với dự kiến. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp sẽ gây nhiều khó khăn cho du lịch vào cuối tháng 7 và các tháng tiếp theo. Sản xuất công nghiệp có xu hướng chững lại, hầu hết các ngành thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo trọng điểm gặp nhiều khó khăn...

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, trước bối cảnh tình hình bất định, khó dự đoán, trong thời gian tới đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu hơn nữa của toàn hệ thống chính trị nhằm thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nhiệm vụ trước mắt và ưu tiên hàng đầu hiện nay là cần tập trung mọi nguồn lực để phòng, chống, kiểm soát tốt dịch Covid-19, không để dịch lây lan rộng, bảo đảm an toàn và ổn định tâm lý nhân dân.

Đề xuất giải pháp phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần chủ động, kịp thời xây dựng kịch bản tăng trưởng và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về tài khóa, tiền tệ và các công cụ chính sách khác nhằm phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội cho các tháng cuối năm 2020 và năm 2021. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét thực hiện theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền việc gia hạn thời gian thực hiện một số chính sách, giải pháp nhằm khắc phục hậu quả của Covid-19, bảo đảm sản xuất và an sinh xã hội… Trường hợp cần thiết, nghiên cứu bổ sung thêm một số chính sách cần thực hiện trong những tháng cuối năm 2020 và cả năm 2021 để hỗ trợ trực tiếp các đối tượng, các vùng mới bị ảnh hưởng của dịch.

“Các chính sách tài khóa, tiền tệ được điều hành hợp lý, đã duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô và vẫn để lại dư địa chính sách cho giai đoạn tiếp theo”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh rằng, kể cả bội chi ngân sách thì chính sách tài khóa cần tiếp tục hỗ trợ cho chính sách tiền tệ, hỗ trợ cho người lao động, cho doanh nghiệp. Gói hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt gói an sinh xã hội đã được giải quyết một bước nhưng cần quyết liệt triển khai nhanh hơn, trúng và mở rộng hơn nữa, hiệu quả hơn nữa. Đi liền với đó là tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân sản xuất, kinh doanh.

Chuyên đề