Kiểm soát vốn đăng ký ảo của doanh nghiệp

(BĐT) - Số lượng doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới năm 2017 tiếp tục ghi nhận kết quả cao kỷ lục với 126.859 DN. Cùng với đó, tổng số vốn cam kết đưa vào nền kinh tế sử dụng cho sản xuất, kinh doanh của DN cũng tăng lên đáng kể. 
Tổng số doanh nghiệp thành lập mới cả nước năm 2017 đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Ảnh: Tiên Giang
Tổng số doanh nghiệp thành lập mới cả nước năm 2017 đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Ảnh: Tiên Giang

Tuy nhiên, đóng góp thực sự vào nền kinh tế của những DN này ra sao vẫn là câu chuyện phải quan tâm.

Vốn đăng ký cách xa vốn giải ngân

Theo thống kê mới nhất, tổng số DN thành lập mới trên cả nước năm 2017 đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay với 126.859 DN, tăng 15,2% so với năm 2016. Tổng số vốn đăng ký của DN thành lập mới năm 2017 là 1.295,9 nghìn tỷ đồng, tăng 45,4% so với năm 2016; vốn đăng ký bình quân của một DN thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 26,2% so với năm 2016. Như vậy, nếu tính cả 1.869,3 nghìn tỷ đồng của hơn 35,2 nghìn lượt DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2017 là 3.165,2 nghìn tỷ đồng.

Khi tổng kết về số DN đăng ký thành lập mới từ đầu năm đến hết ngày 20/12/2016, cơ quan thống kê ghi nhận con số kỷ lục cao chưa từng có là 110.100 DN, tăng 16,2% so với năm 2015.

Tại thời điểm đó, tổng vốn đăng ký của số DN này là 891.094 tỷ đồng, đạt bình quân 8,09 tỷ đồng mỗi DN, tăng 48,1% so với năm 2015.

Qua số lượng DN đăng ký thành lập mới có thể thấy số vốn cam kết đưa vào nền kinh tế sử dụng cho sản xuất, kinh doanh của khu vực DN là không nhỏ, tuy nhiên trên thực tế, số vốn được DN sử dụng cho hoạt động này vẫn còn cách khá xa so với lượng vốn cam kết.

Tại thời điểm 31/12/2016, Tổng cục Thống kê đã thống kê được tổng nguồn vốn sử dụng cho sản xuất kinh doanh của khu vực DN là 30,2 triệu tỷ đồng. Bình quân giai đoạn 2010 - 2016, mỗi năm khu vực DN thu hút tăng thêm 16,4% vốn cho sản xuất kinh doanh. Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, con số 30,2 triệu tỷ đồng là vốn dồn tích lại qua hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều năm đến thời điểm 31/12/2016. Đây là vốn giải ngân, được các DN đưa trực tiếp vào nền kinh tế thông qua hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nguồn vốn này theo điều tra DN của Tổng cục Thống kê hoàn toàn thống nhất và trùng lắp với số vốn của các DN đã báo cáo với cơ quan thuế về kết quả sản xuất sau kinh doanh cũng như báo cáo về tổng tài sản... 

Tìm giải pháp loại trừ việc đăng ký vốn ảo

Nói về tình trạng vốn đăng ký ảo, ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN thuộc Văn phòng Chính phủ cho biết, thống kê cho thấy, khung pháp lý hiện nay vẫn cho phép DN được đăng ký vốn thành lập mà chưa kiểm soát số vốn đó là ảo hay không. Ông Long cũng cho rằng, không thể trả lời ngay được việc các DN đăng ký vốn ảo với mục đích để làm gì. Tuy nhiên, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cần nghiên cứu, đưa ra chế tài, “hàng rào” để làm sao quản lý được vấn đề này, nếu làm sai hoặc không đúng thì phải xử lý ngay.

“Trên thực tế, để đánh giá vòng đời của 1 DN thì cần phải đánh giá việc tồn tại và phát triển bền vững trong ít nhất là 3 năm. Nếu DN đi vào hoạt động được 3 năm mà vẫn tồn tại, phát triển thì đó mới là sự phát triển bền vững” – ông Long nhấn mạnh.

Bày tỏ quan điểm của cơ quan thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết thêm, Tổng cục Thống kê quan tâm nhiều tới số vốn thực tế đưa vào sản xuất, kinh doanh của DN (tức là vốn giải ngân). Do đó, gần đây, Tổng cục Thống kê đã phối hợp với Cục Đầu tư nước ngoài để tách thêm được chỉ tiêu trong phần đầu tư của các DN.

Với những bóc tách chi tiết như vậy, Tổng cục Thống kê kỳ vọng sẽ có được số liệu thật về tình hình, sức khỏe của DN và tình hình cụ thể của nền kinh tế. “Chúng ta cũng phải cần có những giải pháp cụ thể để làm sao DN không đưa ra những con số vốn đăng ký ảo, vống lên rất cao” – ông Lâm đề xuất.

Chuyên đề