Kiểm soát tốt các gói hỗ trợ, không đáng lo lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm trong tháng 5 song CPI bình quân 5 tháng vẫn tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng cao nhất trong 3 năm nay. Giá thịt lợn vẫn cao, giá xăng dầu thế giới có dấu hiệu tăng trở lại, các chính sách kích cầu và hỗ trợ vốn cho nền kinh tế là những yếu tố tác động đến nỗ lực kiểm soát lạm phát năm nay.
Các chuyên gia cho rằng, tác động từ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh do dịch Covid-19 lên CPI sẽ có độ trễ vào năm sau. Ảnh: Lê Tiên
Các chuyên gia cho rằng, tác động từ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh do dịch Covid-19 lên CPI sẽ có độ trễ vào năm sau. Ảnh: Lê Tiên

Có rủi ro

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, chủ động điều hành giá cả hàng hóa, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, là những yếu tố làm cho CPI cả nước tháng 5 năm 2020 giảm 0,03% so với tháng trước, giảm 1,24% so với tháng 12 năm 2019, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2020, CPI tăng 4,39% so với cùng kỳ năm 2019.

Từ các khía cạnh của nền kinh tế, có thể nhận diện những yếu tố hỗ trợ việc kiểm soát lạm phát trong những tháng vừa qua. Đó là, giá xăng dầu trong xu hướng giảm, sức cầu tiêu dùng yếu khiến giá cả nhiều mặt hàng giảm, tăng trưởng tín dụng ở mức khá khiêm tốn, chỉ đạt 1,32% tính đến ngày 15/5 và thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, trong những tháng còn lại của năm nay, vẫn còn nhiều yếu tố gây rủi ro với nỗ lực  kiềm giữ CPI ở mức thấp.

Trên thị trường hàng hóa, thịt lợn đang là mối lo rõ nhất khi các chủ trương kéo giảm giá mặt hàng này vẫn chưa có tác dụng rõ rệt. Giá thịt lợn tháng 5 năm 2020 tiếp tục tăng 4,13% với tháng trước do nguồn cung chưa được đảm bảo. Đáng chú ý, đây là mặt hàng chiếm quyền số 4,2% trong rổ hàng hóa tính CPI.

Bên cạnh đó, giá dầu thế giới dự báo sẽ còn tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian tới khi các quốc gia thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tiếp tục tìm cách giảm sản lượng khai thác dầu. Chốt phiên giao dịch ngày 2/6, giá dầu Brent trên sàn giao dịch hàng hóa New York đã vượt trên mốc 40 USD/thùng, mức cao nhất trong 3 tháng qua.

Từ khía cạnh cung tiền với nền kinh tế, sau 2 tháng ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cho biết đang tích cực triển khai. Do đó, dự kiến nguồn vốn giải ngân từ các gói hỗ trợ tín dụng này sẽ thể hiện rõ hơn tác động đối với CPI trong quý II.

Mặt khác, việc thực hiện Nghị quyết 84 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 dự kiến sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng trong nước, thúc đẩy kinh tế phát triển, do đó sẽ góp phần đẩy giá một số loại hàng hóa, dịch vụ.

Lạm phát cũng là nội dung được Ngân hàng Thế giới (WB) đề cập trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam vừa công bố ngày 3/6. Chính phủ tiếp tục sử dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ để bù đắp cho tác động do dịch Covid-19, dẫn đến tăng trưởng tín dụng trong nước ở mức cao và thu ngân sách sụt giảm nghiêm trọng. Theo WB, cần lưu ý hơn đến khả năng tác động đến lạm phát do nới lỏng chính sách tiền tệ và bội chi tăng cao do thu thuế sụt giảm. 

Nhưng không đáng ngại

Nêu quan điểm về diễn biến và dự báo CPI từ nay đến cuối năm, TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng: Lạm phát từ nay đến cuối năm vẫn có một số rủi ro, trong đó, yếu tố tác động trước mắt là mặt hàng thực phẩm và năng lượng, song mức tác động sẽ không quá lớn. Về các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, sức cầu trong nền kinh tế vẫn khá yếu, tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ chỉ đạt mức 9 - 10% nên không đáng ngại. Nhìn chung là có lực đẩy nhưng không quá lo, đặc biệt khi các cơ quan điều hành chính sách đều khá thận trọng và chú trọng kiểm soát lạm phát, mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% là có thể đạt được.

Cùng quan điểm về điều này, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính Việt Nam cho rằng, sức tác động từ các yếu tố giá xăng, giá thịt lợn sẽ không quá lớn, trong khi đó, các chính sách hỗ trợ kinh tế tạo điều kiện cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh được kiểm soát chặt chẽ và mức tác động (nếu có) dự kiến sẽ có độ trễ vào năm sau.

Còn theo PGS.TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế: “Nếu kiểm soát dòng vốn tốt để các gói hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục sản xuất kinh doanh, không đổ vào các lĩnh vực không hiệu quả thì nhiều khả năng giữ được lạm phát mục tiêu cả năm”.

Chuyên đề