Kiểm soát chặt tín dụng bất động sản: “Nắn” lại dòng vốn trong nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nêu rõ chủ trương tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng bất động sản trong thời gian tới. Các ngân hàng thương mại cũng có các giải pháp để giới hạn dòng vốn vào lĩnh vực này. Nhiều ý kiến cho rằng, cảnh báo của cơ quan chức năng là cần thiết và việc điều tiết dòng vốn của các nhà băng là hợp lý khi thị trường có dấu hiệu rủi ro, đồng thời, giúp nắn dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Dư nợ tín dụng bất động sản hiện nay khoảng 2,09 triệu tỷ đồng, chiếm gần 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Dư nợ tín dụng bất động sản hiện nay khoảng 2,09 triệu tỷ đồng, chiếm gần 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho biết, dư nợ tín dụng bất động sản hiện nay khoảng 2,09 triệu tỷ đồng, chiếm gần 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. “Những năm qua, tín dụng bất động sản được kiểm soát rất chặt chẽ và sẽ tiếp tục kiểm soát chặt hơn nữa trong thời gian tới. Dù vậy, nguồn tín dụng vẫn ưu tiên nhu cầu chính đáng cho người dân mua nhà, đất để ở, hạn chế đáp ứng mục đích đầu cơ”, ông Tú cho biết.

Theo một nhà đầu tư bất động sản ở TP.HCM, hồ sơ vay mua bất động sản vừa bị xếp vào danh sách “chờ vô thời hạn” sau mấy tháng xét duyệt. “Lô đất tôi định mua có giá 3 tỷ đồng tại huyện Củ Chi (TP.HCM). Do tôi là nhân viên ngân hàng nên theo chính sách nội bộ được xếp vào diện ưu tiên. Tuy nhiên, sau mấy tháng chờ đợi, ngân hàng trả lại hồ sơ vay với lý do là mảnh đất tôi muốn mua là đất nông nghiệp, đất ở Củ Chi đang sốt rất cao và giấy tờ mảnh đất đó đã sang tên nhiều lần, cho thấy có dấu hiệu đầu cơ”.

Theo PGS. TS. Đặng Hùng Võ, thị trường bất động sản đang thiếu nguồn cung nên việc siết tín dụng có thể khiến đất tiếp tục sốt. Thay vì siết toàn diện, ông Võ cho rằng, Chính phủ, UBND các tỉnh cần rà soát dự án, xem dự án nào đang triển khai, nếu là sản phẩm hình thành trong tương lai thì có thể xem xét tạm dừng cấp tín dụng vì rủi ro nợ xấu. Còn với dự án nhà ở có thể tạo cung nhà 100% trong ngắn hạn (6 tháng) thì vẫn nên tiếp tục cấp tín dụng, để tạo cung cho thị trường.

Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, tín dụng bất động sản chiếm 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế là tỷ lệ quan ngại bởi bất động sản không đáng được ưu tiên nguồn lực lớn như vậy. Đặc biệt, bất động sản là một trong những lĩnh vực tạo nên tình trạng đầu cơ trong nền kinh tế. Do vậy, ông Hiếu cho rằng, việc kiểm soát chặt để nắn dòng vốn vào lĩnh vực khác và giảm tỷ lệ này xuống là hợp lý.

TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, thực tế, doanh nghiệp bất động sản không chỉ gặp khó khăn với việc vay vốn tín dụng từ ngân hàng mà các kênh huy động khác đều đang “tắc”.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tháng 4/2022 có 23 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với giá trị 16.470 tỷ đồng. Các ngân hàng chiếm gần 91% trong số này, còn lại là doanh nghiệp năng lượng, vận tải, sản xuất và tài chính, hoàn toàn khác biệt với diễn biến trong tháng 3 khi doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu với 46,7%.

Đáng chú ý, sự chuyển hướng này xảy ra sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xác minh để xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm, bảo đảm các hoạt động phát hành, đầu tư và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp đúng mục đích, hiệu quả, lành mạnh. Trong khi đó, việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán cũng rất khó khăn với các doanh nghiệp bất động sản. “Chủ trương kiểm soát chặt tín dụng bất động sản như “cú bồi” khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản và các nhà đầu tư bức xúc”, ông Linh nói.

Theo ông Linh, tín dụng bất động sản chiếm 20% trong tổng dư nợ tín dụng của toàn bộ nền kinh tế là mức khá cao, Thậm chí, tại một số ngân hàng, tín dụng bất động sản cao hơn mức này là tỷ lệ quá lớn, rất rủi ro, khiến nhiều lĩnh vực cần thiết cho sự phát triển kinh tế bền vững chưa được ưu tiên đúng mức. Do đó, chủ trương kiểm soát chặt tín dụng bất động sản để nắn dòng vốn này sang các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh là cần thiết, đặc biệt trong giai đoạn cần hồi phục kinh tế như hiện nay.

Chuyên đề