Siết tín dụng bất động sản: Hết thổi giá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước thực trạng sốt đất, giá đất nhảy múa tại nhiều địa phương trong thời gian ngắn, ngoài việc siết định giá, thẩm định giá bất động sản để giải ngân, nhiều ngân hàng đang hạn chế tín dụng vào bất động sản. Nhiều người lo ngại, việc hạn chế cho vay bất động sản có thể tạo ra cơn sóng xả hàng, cắt lỗ của các nhà đầu tư, làm thị trường địa ốc nguội lạnh.
Một số ngân hàng tạm dừng cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Ảnh Internet
Một số ngân hàng tạm dừng cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Ảnh Internet

“Khóa van” tín dụng để ngăn sốt đất

Từ cuối tháng 3/2022, một số ngân hàng thông báo dừng cấp tín dụng, giải ngân đối với mảng cho vay bất động sản nhằm kiểm soát rủi ro trong lĩnh vực này.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước có Công văn số 1976 gửi các tổ chức tín dụng yêu cầu thực hiện nghiêm một số vấn đề để đảm bảo an toàn hoạt động. Trong đó, yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát khoản cấp tín dụng đối với khách hàng vay vốn để tham gia đấu giá đất, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật để có biện pháp xử lý.

Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông Nguyễn Đình Tùng cho biết, trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước luôn phát đi cảnh báo và kiểm soát chặt hoạt động cho vay bất động sản. “Động thái trên của các ngân hàng nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, về chính sách điều hành chung thì Ngân hàng Nhà nước chỉ có chủ trương kiểm soát chặt hoạt động cho vay bất động sản mà không dừng hoàn toàn”, ông Tùng thông tin thêm.

Lý giải về quyết định dừng cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đến hết tháng 6/2022, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, hiện tại, tỷ lệ tăng trưởng cho vay bất động sản đối với khách hàng cá nhân tại Sacombank hợp lý nên trong giai đoạn này, Ngân hàng không tiếp tục cho vay bất động sản mà tập trung cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Điều này cũng phù hợp với chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, đối với các hợp đồng tín dụng đã phê duyệt, Sacombank vẫn giải ngân bình thường.

Doanh nghiệp địa ốc tìm cách xoay vốn

Với kinh nghiệm 5 năm đầu tư đất nền, môi giới Vũ Điền cho rằng, việc siết tín dụng vào bất động sản sẽ khiến nhiều nhà đầu tư bị tác động. Thông thường, họ sử dụng đòn bẩy tài chính là vốn vay từ ngân hàng để mua đất rồi lướt sóng trong ngắn hạn. Khi ngân hàng siết cho vay, các nhà đầu tư lướt sóng gặp khó khăn vì không đủ nguồn vốn. Nếu thị trường nguội lạnh, không thoát hàng kịp thì khả năng chôn vốn rất cao.

Không chỉ các nhà đầu tư lướt sóng mà các chủ đầu tư bất động sản cũng đứng trước khó khăn. Ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Cát Tường (Bắc Ninh) đánh giá, việc siết cho vay bất động sản sẽ ảnh hưởng lớn tới dòng tiền chảy vào thị trường, nhất là đối với những dự án đang triển khai, ngoài ra có thể làm giảm nhu cầu thị trường.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, động thái hạn chế cho vay bất động sản có thể kiểm soát được tình trạng sốt đất, bởi nhóm sử dụng đòn bẩy sẽ không thể tiếp tục “xuống tiền”. Tuy nhiên, việc siết tín dụng sẽ tạo ra cú sốc lớn cho thị trường, vì "thắt" nguồn tiền dĩ nhiên lượng giao dịch sẽ giảm.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển chỉ ra, trước động thái siết tín dụng của ngân hàng, một số doanh nghiệp địa ốc đã tìm cách xoay vốn thông qua việc đáp ứng các tiêu chuẩn mới khi huy động trái phiếu như: thực thi đánh giá xếp hạng tín nhiệm.

Điển hình là Công ty CP Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia (AGG) mới đây đã được Fiin Ratings xếp hạng tín nhiệm, mở đường cho kế hoạch huy động trái phiếu của doanh nghiệp này. Hay Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland) nhanh nhạy phát hành trái phiếu để góp vốn vào công ty con trước khi Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được ban hành. Theo đó, Novaland đã thông qua phương án phát hành 2 đợt trái phiếu với tổng giá trị 5.875 tỷ đồng để góp vốn vào 3 công ty con; đồng thời tái cấu trúc nợ, nguồn vốn chủ sở hữu của Công ty và các công ty con, công ty liên kết.

Đối với những doanh nghiệp chưa niêm yết nhưng có dự án, có quỹ đất thì chọn con đường IPO và niêm yết. Chẳng hạn, Công ty CP BCG Land đã ấn định thời điểm IPO vào quý II hoặc quý III năm nay.

Ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, việc hạn chế hoặc ngừng cho vay lĩnh vực bất động sản của một số ngân hàng do dư nợ cho vay đối với lĩnh vực này tới ngưỡng cần siết lại. Tuy nhiên, các ngân hàng nên siết một cách chọn lọc, không nên “khóa van” tín dụng bất động sản. Trường hợp tín dụng bị khoá đột ngột, nhiều dự án dở dang sẽ gặp trở ngại trong thanh khoản, doanh nghiệp không trả được nợ vay, ngân hàng lại đối diện với nguy cơ nợ xấu và phải mất nhiều năm mới xử lý được.

Chuyên đề