Siết tín dụng bất động sản: Giám sát chặt mục đích sử dụng vốn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, một số ngân hàng đã có động thái ngừng giải ngân các khoản vay mua bất động sản. Tuy nhiên, với xu hướng tăng nóng vừa qua tại một số phân khúc trên thị trường bất động sản, nhiều ý kiến cho rằng, cần giám sát chặt mục đích sử dụng vốn vay để hạn chế tình trạng “lách” quy định giải ngân lĩnh vực này.
Chủ trương kiểm soát tín dụng bất động sản đã được Ngân hàng Nhà nước nêu rõ trong vài năm trở lại đây, đặc biệt khi bất động sản có xu hướng tăng nóng. Ảnh: Lê Tiên
Chủ trương kiểm soát tín dụng bất động sản đã được Ngân hàng Nhà nước nêu rõ trong vài năm trở lại đây, đặc biệt khi bất động sản có xu hướng tăng nóng. Ảnh: Lê Tiên

Báo cáo tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ ngày 4/4, NHNN cho biết đến ngày 24/3/2022, tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế đạt 4,4%. NHNN cân đối nguồn vốn, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp…

Từ phía các ngân hàng thương mại, mới đây, Ngân hàng Techcombank có thông báo nội bộ với nội dung yêu cầu các đơn vị kinh doanh tạm dừng giải ngân những khoản vay mua bất động sản kể từ ngày 25/3/2022.

Cùng thời điểm, Ngân hàng Sacombank cũng thông báo với các đơn vị kinh doanh về việc không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản từ ngày 25/3/2022.

Nhân viên tín dụng của một ngân hàng thương mại cho biết, đã nhận được thông báo nội bộ về việc dừng cho vay mua bất động sản ở một số địa phương và khu vực có hiện tượng sốt trong thời gian qua.

Vẫn cần tiếp tục sát sao với hoạt động tín dụng, bởi trong thời gian tới, thị trường bất động sản có một số động lực hút vốn nên có thể gây rủi ro nhất định.

Nhận xét về động thái này của một số ngân hàng, PGS. TS. Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, mỗi ngân hàng có cách điều tiết tín dụng dựa trên hạn mức, đánh giá rủi ro, cân đối tài sản. Khi nhận thấy mức giải ngân cho lĩnh vực bất động sản đã đủ, họ dừng cho vay và sau đó có thể mở lại nếu đánh giá khả năng sinh lợi và kiểm soát rủi ro tốt. “Cả ngân hàng thương mại và cơ quan điều hành đã “từng trải” với những rủi ro và tổn thất của thị trường từ nhiều năm trước nên giờ đây có cách ứng xử bài bản với bước đi thận trọng, hợp lý”, ông Chung nhận xét.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, vẫn cần tiếp tục sát sao với hoạt động tín dụng, bởi trong thời gian tới, thị trường bất động sản có một số động lực hút vốn nên có thể gây rủi ro nhất định. Trước hết, gói 350 nghìn tỷ đồng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với việc chú trọng giải ngân đầu tư công chắc chắn sẽ có tác động lan tỏa tới thị trường bất động sản. Cũng trong chương trình này, gói hỗ trợ lãi suất trị giá 40 nghìn tỷ đồng áp dụng 2 năm 2022 và 2023 với định hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh, song vẫn cần kiểm soát chặt để tránh việc lách cho vay vào lĩnh vực bất động sản. “Bài học từ gói kích cầu năm 2009 vẫn còn tính thời sự với các cơ quan chức năng và nhiều ngân hàng thương mại nên tôi kỳ vọng sẽ có sự kiểm soát tốt trong thời gian tới”, ông Chung nói.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, động thái của một số ngân hàng thương mại không có nghĩa là cả ngành ngân hàng đang siết dòng vốn vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, chủ trương kiểm soát tín dụng bất động sản đã được NHNN nêu rõ trong vài năm trở lại đây, đặc biệt khi bất động sản có xu hướng tăng nóng.

“Để kiểm soát tốt dòng vốn này, cần “soi” kỹ các khoản vay từ ngân hàng, bởi có thể trên hồ sơ là vay sản xuất, kinh doanh nhưng thực tế bằng cách nào đó có thể đi vào thị trường bất động sản. Các ngân hàng đã được cảnh báo về rủi ro và có bộ phận kiểm soát vốn tín dụng song vẫn không thể chủ quan”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Chuyên đề