Chính phủ sẽ tiếp tục kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước nhằm tăng tích lũy cho đầu tư phát triển và giảm dần nợ công. Ảnh: Lê Tiên |
Nợ công giảm, chi trả nợ vẫn cao
Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, nợ công đã liên tục giảm từ mức 63,7% GDP năm 2016 xuống mức 61,4% GDP năm 2017. Năm 2018, Nghị quyết 01/NQ-CP đặt mục tiêu nợ công không quá 63,9% GDP nhưng theo nhận định của Bộ Tài chính, thực tế thực hiện sẽ không quá 61,4% GDP và có khả năng còn thấp hơn. Hiện nay Bộ Tài chính đang tiếp tục rà soát để tổng hợp số liệu, chuẩn xác con số này.
Đánh giá về thực trạng nợ công trong giai đoạn hiện nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, đã có một số điểm tích cực, đặc biệt là cơ cấu nợ công. Theo đó, cơ cấu nợ trong nước so với nợ nước ngoài được cải thiện rõ rệt theo hướng tăng tỷ trọng nợ trong nước, hiện chiếm khoảng 60% tổng nợ công, giảm rủi ro tỷ giá đối với danh mục nợ của Chính phủ nói riêng và nợ công nói chung.
Mặc dù nợ công được nhận xét là diễn biến theo xu hướng tích cực, song điểm đáng ngại là chi trả nợ trong đà tăng và ở mức khá cao so với thu ngân sách nhà nước. Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, tổng chi trả nợ năm 2018 là hơn 272,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 20,6% tổng thu ngân sách. Năm 2019, tổng chi trả nợ là 321,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 22,7% tổng thu ngân sách.
Nghiên cứu diễn biến nợ công trong nhiều năm qua, TS. Đặng Đức Anh - Trưởng ban Ban Phân tích và Dự báo thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, chi trả nợ công tăng trong năm 2019 và sẽ còn ở mức cao trong năm 2020 vì đã đến hạn trả các khoản vay từ năm 2011 - 2015. Trong giai đoạn đó, chúng ta đã vay nợ với trị giá khá lớn, các khoản vay có kỳ hạn thường là 3 - 5 năm.
“Dù vậy, cũng không đáng ngại vì tỷ lệ trả nợ so với tổng thu ngân sách vẫn thấp hơn đáng kể so với mức 25% được khuyến nghị là nguy hiểm. Mặt khác, từ năm 2016 - 2018 chúng ta đã thực hiện một số nghiệp vụ về quản lý nợ để giảm áp lực về nợ công, đó là nghiệp vụ đảo nợ và cơ cấu lại các khoản vay”, ông Đức Anh nhấn mạnh. Ông Đặng Đức Anh cũng cho rằng, nếu kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lãi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) có xu hướng giảm, cơ cấu khách hàng của TPCP tích cực theo hướng đa dạng các nhà đầu tư, thì nợ công chưa đáng ngại.
Kiểm soát chặt chẽ các khoản vay
Nhận diện rõ các vấn đề của nợ công, ông Đinh Tiến Dũng cho biết Bộ Tài chính đã có những giải pháp cụ thể để cải thiện thực trạng nợ công trong thời gian tới. Trong đó, giải pháp đáng chú ý là trong các năm 2019 - 2020 tiếp tục bám sát chủ trương, nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, trên cơ sở phát huy những kết quả tích cực cho đến nay để tham mưu, thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo nợ công trong giới hạn cho phép, tiếp tục cơ cấu nợ công theo hướng bền vững, tạo tiền đề cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.
Bên cạnh đó, tiếp tục kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước dưới 4% theo đúng tinh thần Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 25/2016/QH14 của Quốc hội; tăng tích lũy cho đầu tư phát triển và dành một phần trả nợ vay để giảm áp lực huy động vốn vay mới, tạo điều kiện giảm dần nợ công.
Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các khoản vay mới, chỉ vay cho bù đắp bội chi để đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên, kiên quyết không sử dụng vốn vay cho các dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế - xã hội thấp hoặc không rõ ràng; không chuyển vốn vay, khoản vay có bảo lãnh thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc cấp bảo lãnh Chính phủ, hạn chế cấp bảo lãnh mới và khống chế hạn mức bảo lãnh đối với hai ngân hàng chính sách. Thực hiện tái cơ cấu nợ công đồng bộ với các giải pháp phát triển thị trường vốn trong nước; tận dụng tối đa nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong khi chủ động đa dạng hóa nguồn huy động vốn vay trong điều kiện Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình.
Từ góc độ cơ quan nghiên cứu, ông Đặng Đức Anh cho rằng, dù nợ công đang trong chiều hướng tốt song vẫn cần tính đến cả những giải pháp trước mắt và giải pháp dài hạn để tăng khả năng trả nợ và cơ cấu nợ công hợp lý. Trước mắt là ổn định kinh tế vĩ mô để tăng niềm tin cho các nhà đầu tư với TPCP. Về trung và dài hạn, giải pháp căn cơ vẫn là giảm bội chi để giảm nợ công. Điều này được thực hiện từ việc giảm chi ngân sách nhà nước, đặc biệt là giám sát chặt chẽ và cắt giảm những khoản chi không hiệu quả.