Kích thích kinh tế: Chú trọng tổng cung, tổng cầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ, trong thời gian tới, cần ban hành chương trình phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch. Chương trình cần có lộ trình thực hiện phù hợp, gói gọn trong vài năm, có thể là trong 2 năm 2022 và 2023. Việc thực hiện cần có trọng tâm, trọng điểm, dẫn vốn vào các khu vực thực sự cấp bách và cần thiết, có khả năng hấp thụ. Đồng thời, cần xây dựng chương trình quản lý rủi ro, bảo đảm việc huy động và phân bổ đúng mục đích, hiệu quả.
Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phi tài chính về cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Ảnh: Lê Tiên
Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phi tài chính về cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Ảnh: Lê Tiên

Cẩn trọng trước rủi ro lạm phát

Số liệu từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, quy mô hỗ trợ nền kinh tế từ năm 2020 đến nay mới đạt khoảng 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các chương trình hỗ trợ kinh tế mới chủ yếu tác động mặt cung của nền kinh tế, chưa hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp. Do đó, trong thời gian tới, cần ban hành và thực hiện chương trình phục hồi kinh tế và xã hội sau dịch, trong đó, có gói kích thích kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ của nền kinh tế, phù hợp khung khổ đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính - ngân sách, kế hoạch kinh tế - xã hội và kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 5 năm.

Về cách thức thực hiện, gói kích thích kinh tế cần chú trọng tổng cung và tổng cầu, không chỉ nhằm phục hồi kinh tế mà còn phục hồi và phát triển xã hội. Gói kích thích phải có sự phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ cùng với các chính sách vĩ mô khác, trên cơ sở bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Liên quan nội dung này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đang phối hợp với các cơ quan để xây dựng chương trình phục hồi kinh tế. Trong đó, chú trọng nâng cao năng lực y tế, tập trung phát huy giá trị con người, hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch và đầu tư vào hạ tầng. Theo đó, chú trọng y tế dự phòng và y tế cơ sở, có thể xem xét thí điểm thành lập Quỹ Phòng chống dịch. Về doanh nghiệp, tập trung doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể và các doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phi tài chính về cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính. “Các gói hỗ trợ tài khóa - tiền tệ phải đúng đối tượng và phạm vi, tính toán cân đối, đảm bảo tạo động lực tăng trưởng và kiểm soát tốt các cân đối vĩ mô. Đây là bài toán rất khó”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, khi nền kinh tế thế giới dần phục hồi, giá cả hàng hóa đang có xu hướng gia tăng, giá một số mặt hàng như xăng dầu tăng rất cao, nhiều nước phát triển ghi nhận mức lạm phát cao nhất lịch sử. Với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, áp lực rủi ro lạm phát rất lớn.

Đáng chú ý, theo bà Hồng, nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang gia tăng. Các ngân hàng giảm lãi suất bằng chính nguồn lực của mình chứ không phải từ ngân sách nhà nước (NSNN). Khi nợ xấu gia tăng, các tổ chức tín dụng cũng phải dùng nguồn lực của mình để xử lý. Nếu nguồn lực của tổ chức tín dụng suy giảm sẽ ảnh hưởng tới hoạt động, tính an toàn của hệ thống. Bài học từ cuộc khủng hoảng 2008 - 2009 vẫn còn, nếu tính toán không cẩn thận, rủi ro lạm phát có thể quay trở lại.

Tiết giảm chi thường xuyên cho đầu tư, chống dịch

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, nợ công năm 2021 ở mức 56,8% GDP theo cách tính cũ, có nghĩa là vượt ngưỡng cảnh báo 55%. Nợ công năm 2021 là khoảng 3.000.750 tỷ đồng, nợ chính phủ là 3.300.097 tỷ đồng. Do đó, dư địa tài khoá không còn nhiều và cần hết sức cân nhắc. Bộ Tài chính ủng hộ việc thực hiện các gói hỗ trợ để phát triển kinh tế, song phải thực hiện hiệu quả để bảo đảm tăng thu NSNN. Có thể chấp nhận tăng bội chi NSNN trong năm 2022 và 2023 nhưng giảm bội chi các năm tiếp sau, giúp nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, có thể dùng 40 nghìn tỷ đồng từ vốn đầu tư chưa phân bổ giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện hỗ trợ lãi suất trong 2 năm 2022 - 2023. Cách làm này sẽ không làm tăng bội chi NSNN, không tăng nợ công. Bên cạnh đó, có thể phát hành trái phiếu chính phủ, phát hành công trái bằng ngoại tệ để huy động tiền trong dân. Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu huy động được 180 nghìn tỷ đồng thì mỗi năm tăng bội chi NSNN 1% vẫn đảm bảo giữ ổn định.

Đồng thời, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, cần thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên. Dự toán phân bổ chi thường xuyên của các bộ ngành đã tiết giảm 10% so với định mức do Quốc hội ban hành, trong điều hành sẽ giảm tiếp 10% và tiết kiệm thêm 5% chi tiếp khách, công tác nước ngoài để dành cho đầu tư và chống dịch.

“Tuy nhiên, khi có tiền rồi thì phải tính cách phân bổ, cần chú trọng đầu tư cho các dự án đầu tư công trọng điểm, các lĩnh vực kinh tế đột phá lớn để tạo động lực tăng trưởng, như vậy cần nhanh chóng chuẩn bị lập dự án trong điều kiện đặc biệt mới có thể sử dụng nhanh và hiệu quả được”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Chuyên đề