Kích hoạt giải ngân vốn đầu tư công 2023: Phải tốt từ gốc dự án

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đầu tư công được coi là động lực tăng trưởng quan trọng trong năm 2023. Trong khi nền kinh tế đang rất khát vốn, thì việc bơm được vốn đầu tư công vào nền kinh tế càng sớm càng có nhiều ý nghĩa.
Số vốn đầu tư công năm 2023 tổng hợp từ nhu cầu của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 792.487,223 tỷ đồng Ảnh: Lê Tiên
Số vốn đầu tư công năm 2023 tổng hợp từ nhu cầu của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 792.487,223 tỷ đồng Ảnh: Lê Tiên

Theo Báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, số vốn đầu tư công năm 2023 tổng hợp từ nhu cầu của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 792.487,223 tỷ đồng. Số vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) dự kiến cân đối được trong năm 2023 là 698.867 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương (NSTW) là 383.403 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương (NSĐP) là 315.464 tỷ đồng.

Thường trực Ủy ban - Tài chính ngân sách của Quốc hội đánh giá, năm 2023 tổng vốn đầu tư nguồn NSNN dự kiến tăng 28,9% so với năm 2022, đáp ứng được 88,3% nhu cầu vốn của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Mức bố trí như dự kiến của Chính phủ là khá tích cực, tuy nhiên đây là mức tăng khá cao so với năm 2022, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn để bảo đảm nguồn thu và khả năng giải ngân vốn, tránh lãng phí nguồn lực.

Theo quan sát nhiều năm trở lại đây, giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm thấp và tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Điều này có nguyên nhân do tính đặc thù của đầu tư công vì cần thời gian để thi công, tích lũy khối lượng đủ để nghiệm thu, thanh toán. Tâm lý chung của nhà thầu, chủ đầu tư là để khối lượng thực hiện đến cuối năm làm thủ tục thanh toán, giải ngân một lần...

Tuy nhiên, trong điều kiện nền kinh tế cần thêm lực đẩy để phục hồi, duy trì đà tăng trưởng cao, doanh nghiệp đang rất thiếu vốn, chờ đợi nguồn vốn rót vào dự án đầu tư công sẽ tác động lan tỏa, kích thích tổng cầu, tạo thêm công ăn việc làm…, việc giải ngân nhanh nguồn vốn của năm 2023 ngay từ đầu năm kế hoạch là rất cần thiết.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho rằng, năm 2023, lượng vốn đầu tư công lớn cần giải ngân sẽ tác động đến tăng trưởng nhưng cũng là nhiệm vụ rất khó, đòi hỏi sự quan tâm của các cấp, các ngành. Dù giải ngân đầu tư công là trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ và thực tế đã có những chuyển biến tích cực, nhưng các báo cáo của Chính phủ vẫn nhận định đây là điểm nghẽn cần tháo gỡ, giải ngân tốt hơn sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn cho tăng trưởng kinh tế.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, việc làm sao để giải ngân sớm nguồn vốn đầu tư công ngay từ đầu năm là vấn đề Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo. Muốn giải ngân được sớm, điều kiện đầu tiên là công tác chuẩn bị dự án phải tốt.

Bộ KH&ĐT cho biết, theo tổng hợp từ các bộ, ngành, địa phương, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến giải ngân chậm là do công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN chưa sát với khả năng thực hiện, dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch giao, còn tình trạng "vốn chờ dự án đủ thủ tục". Chất lượng chuẩn bị dự án thấp, công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt dẫn tới nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nhưng vẫn chưa đủ điều kiện giải ngân vì vướng mắc về quy hoạch, địa điểm, đất đai, giải phóng mặt bằng, dẫn tới phải điều chỉnh đơn giá, dự toán làm thay đổi hoặc điều chỉnh lại dự án…

Trong các giải pháp thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2023, báo cáo của Chính phủ nêu rõ cần nâng cao hiệu quả đầu tư công ngay từ khâu lập kế hoạch đến triển khai thực hiện. Nâng cao công tác chuẩn bị dự án, bảo đảm tính khả thi, tính sẵn sàng, nhất là về mặt bằng, nguồn nguyên vật liệu để khi được phân bổ vốn là có thể thực hiện, giải ngân sớm. Cần tuyển chọn tư vấn đủ năng lực, kinh nghiệm thiết kế dự án, bảo đảm chất lượng, phù hợp với thực tế, tránh phải điều chỉnh trong quá trình triển khai; kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô, thời gian bố trí vốn, tổng mức đầu tư của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, chỉ được quyết định đầu tư khi dự án đã được lựa chọn theo đúng quy trình, thủ tục và thứ tự ưu tiên quy định tại Luật Đầu tư công…

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, giải pháp dài hơi, căn cơ là hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến đầu tư công. Hiện nay vẫn vướng, không chỉ ở Luật Đầu tư công mà còn nhiều luật khác như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu... tác động đến tốc độ giải ngân.

Trong các nhóm giải pháp điều hành, tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công 2023, Chính phủ nêu rõ giải pháp đầu tiên là rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư công, đất đai, xây dựng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng, liên tục.

Nhấn mạnh đến vai trò của giải ngân đầu tư công đối với nền kinh tế hiện nay, chuyên gia kinh tế, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, vốn đầu tư công chậm giải ngân là câu chuyện về thể chế. Tới đây, Chính phủ cần tập trung quyết liệt gỡ điểm vướng này.

Chuyên đề