Kịch bản nào cho thị trường lao động năm 2021?

0:00 / 0:00
0:00

Ngay cả khi dịch Covid-19 qua đi, thị trường lao động được dự báo khó quay về như cũ...

Kịch bản nào cho thị trường lao động năm 2021?

Với với diễn biến khó lường của dịch Covid-19 trên toàn thế giới, Việt Nam sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng và những khó khăn chung đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình lao động, việc làm. Bức tranh thị trường lao động được các chuyên gia đánh giá ở thời điểm hiện tại là vẫn ở gam màu "xám".

BỨC TRANH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG VẪN MÀU "XÁM"

Chia sẻ về khả năng phục hồi của thị trường lao động trong thời điểm hiện nay, TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học – Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) nhận định là rất khó, thậm chí ngay cả khi dịch Covid-19 qua đi, thị trường lao động được dự báo là không thể quay trở về như cũ.

Số người thất nghiệp, bị mất việc sẽ phải tìm việc làm mới, việc kết nối giữa nhu cầu việc làm của một nền kinh tế sẽ là thách thức rất lớn đối với chính sách thị trường lao động.

Cho rằng thị trường lao động hiện nay khó phục hồi trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới còn phức tạp, song theo bà Hương vẫn có những tia sáng khi sắp có vaccine. Nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua vẫn trên đà tăng trưởng, nếu như được tiếp sức môi trường kinh tế tốt hơn, thì một số ngành dự báo vẫn tăng nhu cầu lao động như xây dựng, công nghiệp chế biến để có thể tạo ra được cú hích lớn.

"Có thể thấy, bức tranh thị trường lao động vẫn đang ở gam màu xám. Tuy nhiên, tôi kỳ vọng Việt Nam với thị trường có dân số gần 95 triệu người và có lực lượng lao động gần 54 triệu người sẽ đáp ứng nhu cầu trong nước để tình trạng việc làm đỡ xấu đi", bà Hương chia sẻ.

Còn theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, dự báo tình hình lao động trong thời gian tới sẽ còn phụ thuộc vào công tác phòng dịch của chúng ta. Mặc dù, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch nhưng trên thế giới tình hình vẫn phức tạp. Sự giao thương giữa các đối tác quen thuộc như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản hay Châu Âu đang bị ảnh hưởng.

"Nếu chúng ta kiểm soát tốt dịch, nền kinh tế sẽ có sự chuyển biến dẫn đến tạo nhiều việc làm cho người lao động. Chúng tôi không muốn nhìn thấy gam màu xám trong dự báo nhưng nếu kịch bản dịch xấu hơn, việc ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp sẽ xảy ra hiện tượng thừa lao động dẫn đến thất nghiệp. Vì vậy, thị trường lao động chuyển biến tốt hay không là do công tác phòng dịch tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới", ông Thành nhận định.

NHÓM NGÀNH NÀO CÓ KHẢ NĂNG PHỤC HỒI NHANH?

Với kịch bản lạc quan nhất là nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, các chuyên gia cho rằng nên tập trung vào nhóm ngành phục vụ thị trường nội địa vì khả năng phục hồi có thể nhanh hơn.

Theo phân tích của bà Nguyễn Thị Lan Hương, hiện nay thị trường chủ yếu chia thành 3 nhóm ngành nghề gồm: nhóm ngành phục vụ nhu cầu nội địa; nhóm phục vụ liên doanh, liên kết và nhóm phục vụ thị trường quốc tế.

Từ 3 hệ thống nhóm ngành này, bà Hương dự báo rằng, nhóm ngành phục vụ nhu cầu nội địa là nhóm có khả năng phục hồi ở mức nhanh hơn.

"Tôi lấy ví dụ dịp Tết sắp tới, nếu có làn sóng dịch Covid -19 thứ ba mạnh hơn, có thể vấn đề đi lại bị hạn chế, nhưng theo truyền thống, nhu cầu về vận chuyển hành khách dịp Tết chắc chắn vẫn sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, theo thống kê, từ năm 2019 đến nay, xây dựng và chế biến vẫn tăng phục vụ nhu cầu trong nước. Điều này hoàn toàn cho chúng ta kỳ vọng vào sự phục hồi của nhóm ngành phục vụ thị trường nội địa", bà Hương nhận định.

Riêng đối với nhóm ngành phục vụ thị trường quốc tế, thời điểm này, bà Hương cho rằng, các dự báo cho năm 2021 chưa thấy có những điểm sáng. "Tạm thời, làm thế nào để cùng các doanh nghiệp trong nước ổn định tình hình nội địa, chờ thời cơ thị trường lao động quốc tế mở cửa, chúng ta lại tiếp tục", bà Hương nêu quan điểm.

Dưới góc độ là đơn vị kết nối thị trường lao động, ông Vũ Quang Thành đồng tình khi cho rằng, trong thời gian tới những hoạt động thuộc nhóm ngành nghề nội địa, hoạt động phục vụ lễ, Tết sẽ có tín hiệu tốt hơn. Trong đó, xu hướng tuyển dụng lao động thuộc nhóm lĩnh vực như thương mại dịch vụ, bán hàng, kinh doanh…sẽ tăng lên.

Ngoài ra, theo ông Thành trong thời gian vừa qua, nhóm ngành nghề thương mại điện tử, công nghệ thông tin tiếp tục tăng nhu cầu tuyển dụng và dự kiến sẽ bùng nổ hơn trong thời gian tới. Ngược lại, ở khối ngành dịch vụ lưu trú, khách sạn nhu cầu sử dụng lao động thời điểm này mọi năm đều tăng thì năm nay không có biến động nhiều, thậm chí sụt giảm.

Đánh giá chung, theo bà Nguyễn Thị Lan Hương cần nhìn nhận rõ ràng là bức tranh thị trường lao động trong ngắn hạn không sáng sủa vì Việt Nam nằm trong chuỗi ảnh hưởng chung của thế giới. Tuy nhiên, theo bà, trong kinh tế sẽ có những giai đoạn trì trệ, thị trường lao động bị tác động mạnh, từ đó cũng yêu cầu thị trường tạo những phân khúc, kỹ năng mới.

Do đó, đối với nhóm lao động bị mất việc, bên cạnh việc hỗ trợ họ tồn tại, cần có nhóm giải pháp đồng bộ để chuyển dịch cơ cấu việc làm, đảm bảo họ có năng lực đáp ứng yêu cầu công việc mới.

Còn theo ông Vũ Quang Thành, những lao động mới tham gia thị trường lao động cần tiếp tục nâng cao kiến thức chuyên môn, đặc biệt là thích ứng với những yêu cầu công việc mới trong mọi tình huống. Với nhóm lao động đã có quá trình tham gia thị trường lao động, cũng cần bổ sung kỹ năng để sẵn sàng dịch chuyển việc làm.

Chuyên đề