Mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là thúc đẩy cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước cùng lớn mạnh. Ảnh: Đức Trung |
Chưa tận dụng được lợi ích từ các dòng vốn FDI
Trong thời gian qua, Việt Nam đã chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế với trọng tâm là hội nhập kinh tế. Tiến trình này đã đem lại những kết quả đáng ghi nhận trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tại VBF giữa kỳ 2017, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đánh giá, cùng với khu vực tư nhân trong nước, đầu tư nước ngoài đã trở thành một động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, ở một mặt nào đó, sức lan tỏa của khu vực kinh tế FDI sang kinh tế trong nước về mặt công nghệ và trình độ quản lý còn chưa đạt được như kỳ vọng.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận xét, Việt Nam vẫn chưa tận dụng được hết những lợi ích từ các dòng vốn FDI. “Gần 30 năm sau khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực, một thực trạng phải thừa nhận là kết nối kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn còn mờ nhạt, hiệu ứng lan toả về công nghệ và năng suất lao động từ các đối tác nước ngoài đến các DN trong nước còn rất hạn chế”, ông Lộc đánh giá.
Minh chứng cho nhận định trên, theo ông Lộc là hiện các DN của Việt Nam kết nối chưa thành công vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Điều tra DN trên toàn quốc của VCCI nhiều năm liền cho thấy, tỷ lệ DN tư nhân trong nước đang cung cấp hàng hoá, dịch vụ cho DN FDI tương đối hạn chế. Từ phía các DN FDI, liên kết hàng dọc với các công ty trong nước cũng rất yếu (theo thống kê thì chỉ 26,6% đầu vào của DN FDI được mua tại Việt Nam, trong khi một tỷ lệ đáng kể lại được mua từ chính các DN FDI khác). Các DN FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao thường có xu hướng nhập hàng hóa đầu vào từ nước xuất xứ của mình nhiều hơn so với các DN FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thấp.
Đồng tình với ý kiến này, ông Sumito Ishii, Trưởng Nhóm công tác công nghiệp ô tô - xe máy của VBF cho rằng, ngành công nghiệp sản xuất ô tô - xe máy của Việt Nam còn rất nhỏ, mối liên kết giữa DN có vốn FDI và DN trong nước chưa thực sự hiệu quả. Hiện Việt Nam không có cơ sở dữ liệu hữu ích sẵn có liên quan đến hồ sơ các nhà cung ứng linh kiện ô tô trong nước.
Kết nối giữa DN trong nước với DN FDI gặp khó khăn còn được nhiều DN, nhà đầu tư chỉ ra là do sự khác biệt về chất lượng nguồn nhân lực, trình độ công nghệ và khoảng cách địa lý giữa DN FDI và DN nội địa.
Ưu đãi DN FDI kết nối với DN Việt
Khẳng định khối DN FDI là một bộ phận hữu cơ quan trọng trong nền kinh tế, tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, chủ trương của Chính phủ là thu hút mạnh mẽ và tạo điều kiện tốt nhất để DN FDI phát triển, coi sự thành công của khối DN này là thành công của đất nước. Trong chính sách thu hút FDI tới đây, Chính phủ chủ trương đẩy mạnh thu hút FDI một cách có chọn lọc, ưu đãi nhiều hơn với DN FDI có chính sách kết nối với DN trong nước, từ đó giúp cả hai khu vực kinh tế cùng mạnh lên, hỗ trợ cho nhau.
Để tăng mức độ kết nối chặt chẽ giữa DN FDI và khu vực DN tư nhân trong nước, ông Vũ Tiến Lộc kiến nghị 3 giải pháp. Đầu tiên là Việt Nam cần cải thiện hiệu quả các hoạt động đào tạo nhân lực giúp nâng cao năng lực của người lao động. Thứ hai là, Việt Nam cần có giải pháp đột phá thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ của các DN trong nước và DN FDI. Cuối cùng là tăng cường kết nối các khu công nghiệp dành cho đầu tư FDI và các khu, cụm công nghiệp dành cho các DN vừa và nhỏ trong nước. Trong số các giải pháp đưa ra, ông Lộc cho rằng, chìa khóa thúc đẩy hiệu ứng lan tỏa của DN FDI chính là việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Nhận thức việc kết nối giữa các DN trong nước và DN FDI là rất quan trọng trong việc hỗ trợ DN Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đề xuất, các nhà cung cấp trong nước cần tập trung đáp ứng các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, chi phí, giao hàng để hợp tác hiệu quả với DN FDI. Đồng thời, các DN FDI cần đưa ra hướng dẫn cho các nhà cung cấp về quy trình tuyển chọn nhà cung cấp của mình, cung cấp danh sách các sản phẩm, vật tư… trong nước đã nội địa hóa được một cách chi tiết và cụ thể hơn. Điều này có thể giúp các nhà cung cấp trong nước được chuyển giao công nghệ hoặc bí quyết kỹ thuật.
Sau rất nhiều nỗ lực, đến nay, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có chuyển biến tích cực so với trước, tuy nhiên ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam cho rằng, môi trường kinh doanh cần được cải thiện hơn nữa để đem lại hiệu quả thiết thực hơn cho cộng đồng DN trong quá trình thu hẹp khoảng cách giữa hai khu vực kinh tế.