Theo CIEM, tăng trưởng kinh tế quý III/2016 có thể đạt mức 6,14%. Ảnh: Ngọc Ký |
Tăng trưởng quý III/2016 có thể đạt mức 6,14%
Tại Hội thảo công bố Báo cáo kinh tế Việt Nam quý II/2016 do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, hầu hết chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế vĩ mô quý II có thêm những dấu hiệu chuyển biến tích cực. Cụ thể, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong quý II và 6 tháng đầu năm 2016 tăng tương ứng 16,6% và 20% so với cùng kỳ năm 2015. Trong 6 tháng đầu năm, vốn đăng ký của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cấp mới và tăng thêm đạt 11,3 tỷ USD, tăng 105,4% so cùng kỳ 2015.
Bên cạnh đó, thông điệp tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, giảm thiểu rào cản bất hợp lý nhằm cải thiện hiệu quả cạnh tranh trên thị trường đã tiếp thêm niềm tin cho người dân và doanh nghiệp… “Đây chính là nền tảng để kỳ vọng về khả năng tái lập tăng trưởng cao và bền vững hơn trong nửa cuối năm 2016 và năm 2016”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhìn nhận.
Tuy nhiên, Báo cáo thẳng thắn chỉ rõ: “Tăng trưởng kinh tế quý II chưa lấy lại đà phục hồi, GDP tăng 5,57% trong quý II. Trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng GDP đạt 5,52%. GDP thực tế chưa được cải thiện nhiều so với tiềm năng. Do đó, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2016 hầu như không khả thi”.
Cho ý kiến về nội dung này, tại Hội thảo, đại diện Viện Chiến lược ngân hàng thuộc Bộ Tài chính cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2016 là khó khả thi. Dưới góc độ tình hình thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng, đại diện Viện Chiến lược ngân hàng thuộc Bộ Tài chính lo ngại: “Hiện cục nợ xấu của ngân hàng vẫn chưa được giải quyết, mới dừng lại ở khâu “nhốt” nợ ở VAMC”.
GS. TS. Nguyễn Quang Thái cho rằng, tình hình kinh tế những tháng cuối năm 2016 dự báo còn nhiều khó khăn. “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh với những thông điệp và hành động rõ ràng. Tuy nhiên, hành động cụ thể của các bộ, ngành, địa phương chưa nhiều, thậm chí yếu ớt”, ông Thái nói.
Dự báo về quý III, Báo cáo nhận định, tăng trưởng kinh tế quý III/2016 có thể đạt mức 6,14%; tăng trưởng xuất khẩu ở mức 6,8%; thâm hụt thương mại ở mức 0,4 tỷ USD; mức tăng CPI khoảng 1,31%.
Cải cách bằng hành động thực sự
Về vấn đề này, Báo cáo kinh tế Việt Nam quý II/2016 cũng chỉ ra, việc cân bằng trong các mục tiêu chính sách là không dễ, và thực tế ngày càng trở nên khó khăn hơn. Chẳng hạn như đối với chủ trương tháo gỡ các điều kiện đầu tư, kinh doanh bất hợp lý, chúng ta mới chỉ thống nhất về nguyên tắc, còn để có được sự đồng thuận về ranh giới giữa điều kiện hợp lý và điều kiện bất hợp lý lại không dễ. Nguyên nhân của vấn đề này là do có sự khác biệt trong nhận thức về quản lý chuyên ngành, khác biệt giữa lợi ích của ngành và lợi ích cho quốc gia/cộng đồng doanh nghiệp và tư duy “sợ” mất quyền quản lý của cơ quan nhà nước.
Đối với vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đại diện Viện Chiến lược ngân hàng nêu quan điểm, cần phải đẩy nhanh tiến trình sắp xếp, đổi mới khối doanh nghiệp này để họ hoạt động hiệu quả hơn. “Đẩy mạnh cổ phần hóa mà cứ e ngại mối quan hệ thân hữu thì mãi không thể giải quyết được”, vị đại diện cơ quan này chia sẻ.
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, bộ máy Chính phủ mới đã nhanh chóng bắt tay vào công tác điều hành phát triển kinh tế - xã hội, gắn với thúc đẩy cải cách nền tảng kinh tế. Các kết quả kinh tế - xã hội trong quý II chưa đạt được kỳ vọng không làm mờ những nỗ lực của Chính phủ. Thực tế, những kết quả tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tương đối tốt so với không ít quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, một số chuyên gia khuyến nghị, Chính phủ không nên hướng tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá. Thay vào đó, Chính phủ vẫn nên kiên định với các ưu tiên đề ra về cải cách kinh tế vi mô, giữ gìn và củng cố dư địa điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.