Khơi thông thị trường để xuất khẩu vững đà tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 15,9%, giúp cán cân thương mại hàng hóa đạt mức xuất siêu 9,4 tỷ USD. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực này là thực tế nhu cầu hàng hóa toàn cầu đang suy yếu, đòi hỏi cần có thêm các giải pháp khơi thông thị trường, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gia tăng tỷ lệ nguồn cung nội địa…
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Dấu hiệu khó khăn về đơn hàng rõ nét hơn

Thông tin về tình hình xuất khẩu (XK) của DN trong tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2022, Bộ Công Thương cho hay, trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa toàn cầu suy giảm, dấu hiệu khó khăn về đơn hàng của DN XK Việt Nam cũng rõ nét hơn. Lượng đơn hàng XK có dấu hiệu chậm lại từ tháng 9 nên kim ngạch XK trong tháng 10 ước tính tăng không nhiều so với tháng trước đó.

Chẳng hạn, đối với ngành dệt may, triển vọng đơn hàng cho quý IV/2022 và 6 tháng đầu năm 2023 không mấy khả quan do lượng hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu hiện ở mức cao. Số lượng đơn đặt hàng trong quý IV/2022 thấp hơn 25 - 50% so với quý II/2022, tương ứng với mức giảm doanh thu 15 - 20% so với cùng kỳ năm 2021.

Với DN ngành gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM chia sẻ, đơn đặt hàng với các DN chậm hơn so với năm ngoái.

Cùng với đơn hàng giảm, Bộ Công Thương cho hay, việc đồng USD tăng giá gây tác động bất lợi đến nhập khẩu do hiện nay nước ta nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất XK, từ đó làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với các nước như Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia...

Trong khi đó, dự báo kinh tế thế giới năm 2023 sẽ khó khăn và thách thức hơn so với năm 2022 mà nguyên nhân chính là do tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, áp lực lạm phát cao ở hầu hết các nền kinh tế lớn, cầu tiêu dùng cuối cùng giảm, khả năng cao xảy ra suy thoái kinh tế ở một số quốc gia phát triển - là thị trường XK chính của Việt Nam. Nhiều quốc gia tiếp tục có xu hướng bảo hộ mậu dịch khi tăng cường sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước. Đây là những thách thức lớn đối với hoạt động XK của DN.

Ở trong nước, nhìn chung, nhiều DN còn thiếu vốn và khó tiếp cận các nguồn vốn.

Tiếp tục khơi thông thị trường

Trong bối cảnh cầu tiêu dùng giảm tại một số thị trường lớn như Mỹ, EU…, lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để khơi thông thị trường XK cho DN.

Theo đó, Bộ hướng dẫn DN chuyển sang tiếp cận thị trường các nước châu Á - nơi ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát hơn nhằm đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào thị trường truyền thống; tranh thủ nhu cầu của thế giới để đẩy mạnh XK các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh.

Triển khai mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu thông qua các kênh hệ thống thương vụ, thương mại điện tử xuyên quốc gia, hỗ trợ thông tin thị trường; tháo gỡ rào cản để đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu. Đồng thời, thúc đẩy XK chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu; cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại cho DN.

Bộ tiếp tục theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu, trao đổi mua bán hàng hoá tại các cửa khẩu biên giới; tăng cường công tác thông tin, định hướng DN chuyển nhanh, chuyển mạnh sang XK chính ngạch bền vững đối với thị trường Trung Quốc.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá cao những kết quả đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Phương cho rằng, Việt Nam cần khai thác hiệu quả hơn nữa thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng này nhằm đưa quan hệ thương mại hai nước hướng tới cân bằng, bền vững hơn.

Đồng ý với nhận định tiềm năng thị trường Trung Quốc là rất lớn, ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, các DN Việt Nam cần có giải pháp khai thác nhiều hơn nữa cơ hội từ thị trường này.

Khuyến nghị giải pháp giúp DN khai thác hiệu quả cơ hội thị trường, các chuyên gia cho rằng, DN phải nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường chính ngạch. Cùng với tăng chất lượng thì giá thành hàng hóa cũng phải cạnh tranh.

Gợi ý lời giải bài toán tăng trưởng XK thời gian tới, đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng, Việt Nam cần ưu tiên tháo gỡ rào cản, nút thắt về thể chế cho DN; đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gia tăng tỷ lệ nguồn cung nội địa và chủ động tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu…, giúp DN tăng“sức đề kháng”.

Chuyên đề