Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng cao hơn khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ảnh: Tấn Tiên |
Điểm sáng tăng trưởng
Số liệu về tình hình kinh tế tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, XK tiếp tục trở thành điểm sáng, một trong những động lực tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể, kim ngạch XK hàng hóa tháng 6 ước đạt 32,65 tỷ USD, tăng 5,6% so với tháng trước. Quý II ước đạt 96,8 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước và tăng 8,7% so với quý I/2022. Tính chung 6 tháng, kim ngạch XK ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, ngoài nhóm hàng XK chủ lực như: điện tử, điện thoại, máy tính và linh kiện, kim ngạch XK một số nhóm sản phẩm nông, lâm, thủy sản có lợi thế so sánh cũng tăng trưởng cao trong nửa đầu năm. Điển hình như thuỷ sản đạt 5,8 tỷ USD, tăng 39,6%; cà phê đạt 2,3 tỷ USD, tăng 49,7%; hạt tiêu đạt 566 triệu USD, tăng 14%...
XK một số nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu cũng tăng cao như: hóa chất đạt 1,7 tỷ USD, tăng 59,3%; chất dẻo nguyên liệu đạt 1,3 tỷ USD, tăng 19,5%; nguyên phụ liệu dệt may, da giầy đạt 1,2 tỷ USD, tăng 20,6%...
Hàng hóa XK sang các thị trường chủ lực mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá. Mỹ trở thành thị trường XK lớn nhất của DN Việt Nam với kim ngạch XK 6 tháng đạt 55,9 tỷ USD, tăng 22,5%; tiếp đó là Liên minh châu Âu đạt 23,6 tỷ USD, tăng 21,6%; Trung Quốc đạt 26,3 tỷ USD, tăng 7%.
Với kết quả này, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận: “XK 6 tháng tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, giá cả đầu vào tăng cao cho thấy DN Việt Nam đã gắn mình vào “cuộc chơi”, đà phục hồi toàn cầu”.
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2022 của Bộ Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương thông tin thêm một điểm lạc quan trong hoạt động XK. Đó là trong 6 tháng đầu năm nay, XK của khu vực kinh tế trong nước tăng cao hơn khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). “Điều này cho thấy sự phục hồi nhanh chóng của DN trong nước nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, nhất là nỗ lực của DN trong việc kết nối với chuỗi cung ứng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng XK”, ông Hải nhìn nhận.
Chủ động ứng phó với thách thức
Dự báo về tình hình XK 6 tháng cuối năm 2022, ông Dương nhận định, mặc dù XK nửa đầu năm tăng trưởng ấn tượng, song không nên quá lạc quan vì khó khăn, thách thức ở phía trước rất lớn. Kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn suy giảm. Mỹ vừa tăng lãi suất, thời gian tới có thể tăng tiếp. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế Mỹ xấu hơn so với dự báo; đồng USD lên giá… là những yếu tố có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng XK của Việt Nam 6 tháng cuối năm.
Cùng với đó, mức độ tận dụng ưu đãi trong các FTA của DN Việt Nam còn hạn chế. “Nếu không tận dụng được nhiều ưu đãi của các FTA thì việc hiện thực hóa các cơ hội rất khó khăn”, ông Dương cảnh báo.
Đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, thời gian tới, hoạt động sản xuất hàng XK sẽ đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao do biến động tăng giá nhiên liệu thế giới, kéo theo giá nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ gia công sản xuất tăng.
Tuy vậy, XK vẫn có những cơ hội khi gói phục hồi kinh tế tiếp tục được triển khai mạnh mẽ; việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công sẽ có tác động tích cực đến phục hồi và tăng trưởng của một số ngành; vị thế, uy tín của đất nước ngày càng được khẳng định…
Nhằm hỗ trợ DN, trong đó có DN XK tiếp đà tăng trưởng, ông Đỗ Thắng Hải cho biết, ngành công thương sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện hiệu quả Nghị quyết 01, Nghị quyết 02, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình, dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo... tạo giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp.
Các đơn vị sản xuất cần bám sát diễn biến, nhu cầu thị trường, thúc đẩy sản xuất trong nước thay thế cho nhu cầu nhập khẩu trong bối cảnh mặt bằng giá cả thế giới tăng cao. Đồng thời, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ DN về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng cam kết trong các FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới. Đặc biệt, theo dõi sát những biến động của tình hình quốc tế, chủ động đánh giá tác động của các sự kiện đó đến sản xuất, xuất nhập khẩu để kịp thời điều chỉnh, ứng phó thích hợp.