Thách thức duy trì động lực xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong 9 tháng năm 2022, xuất khẩu (XK) là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, từ nay tới cuối năm, hoạt động XK sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ, thách thức, đòi hỏi cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp (DN) cần chuẩn bị những giải pháp ứng phó hiệu quả.
9 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD. Ảnh: Lê Tiên
9 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD. Ảnh: Lê Tiên

Khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, XK ước đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3%, đạt khoảng 78% mục tiêu Chính phủ đề ra; nhập khẩu (NK) ước đạt 276 tỷ USD, tăng 13%. Kết quả 9 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD.

Dự báo về tình hình XK từ nay tới cuối năm, nhiều chuyên gia và nhà quản lý cảnh báo hoạt động này sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, biến động của thị trường xăng dầu thế giới cùng nhiều yếu tố địa chính trị khác sẽ tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước, ảnh hưởng đến cầu tiêu dùng.

Bên cạnh đó, ở một số thị trường, XK của DN Việt Nam mặc dù có sự tăng trưởng khá tốt, nhưng lại luôn có những mối nguy rình rập. Theo TS. Phạm Tất Thắng, chuyên gia cao cấp về thương mại tại Bộ Công Thương, XK của Việt Nam sang Mỹ khá tích cực, song xuất siêu lớn có thể dẫn đến nhiều rủi ro thương mại mà phía Mỹ sẽ có các biện pháp trừng phạt hoặc phòng vệ thương mại.

Theo Bộ Công Thương, chuỗi cung ứng vẫn có nguy cơ gián đoạn, đặc biệt là cung ứng nguyên nhiên vật liệu; giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Các DN XK sẽ gặp nhiều khó khăn, một số ngành đang đối mặt với nguy cơ đơn hàng giảm do thủ tục hành chính còn rườm rà, hoàn thuế VAT chậm ảnh hưởng đến xoay vòng vốn, cạnh tranh lao động giữa các ngành có xu hướng tăng…

TS. Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia lo ngại, việc đồng USD tăng giá sẽ tác động bất lợi đến NK do hiện nay nước ta NK nhiều nguyên vật liệu sản xuất để phục vụ cho XK.

Ở góc độ DN, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An chia sẻ: “Hiện các DN XK gạo đang phải đối mặt với 2 khó khăn lớn. Một là lãi suất cho vay của ngân hàng vừa được điều chỉnh tăng lên trong khi chi phí sản xuất tăng vẫn chưa giảm. Hai là chi phí logistics dù hạ nhiệt nhưng vẫn rất cao”.

Chủ động khơi thông thị trường

Dù phải đối mặt với khó khăn, thách thức, nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng, hoạt động XK sẽ tiếp tục tăng trưởng. Báo cáo cập nhật của Ngân hàng Thế giới (WB) về tình hình kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương công bố mới đây nhận định, hoạt động chế biến, chế tạo theo định hướng XK vẫn tiếp tục phát triển vững chắc.

Theo Bộ Công Thương, dịch Covid-19 cơ bản được khống chế trên phạm vi toàn cầu sẽ tạo thuận lợi cho thúc đẩy phục hồi kinh tế, gia tăng xuất nhập khẩu hàng hóa, trong đó có hàng hóa XK của Việt Nam. Đặc biệt, nhu cầu tiêu dùng của thị trường thế giới sẽ tăng trong dịp cuối năm. Việc các nước Liên minh châu Âu (EU) cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng do chi phí năng lượng tăng cao và nhiều nước hạn chế XK lương thực để ổn định trong nước là cơ hội cho hàng hóa Việt Nam…

Theo đó, để duy trì động lực tăng trưởng XK của nền kinh tế, Bộ Công Thương đề xuất 3 nhóm giải pháp chủ yếu từ nay tới cuối năm. Trước hết là đẩy mạnh khơi thông, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước với việc theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường tài chính, tiền tệ và thị trường hàng hóa để chủ động các giải pháp nhằm kiểm soát tốt lạm phát, ổn định kinh tế; bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường.

Tiếp tục đẩy mạnh XK, tăng cường quản lý NK phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hài hòa, bền vững thông qua việc khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, thúc đẩy XK chính ngạch gắn với tái cơ cấu ngành hàng và xây dựng thương hiệu.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động sản xuất để tạo nguồn hàng cho tiêu dùng trong nước và XK. Cụ thể, hỗ trợ DN tìm kiếm nguồn cung nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất; kết nối các DN trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của khu vực FDI và DN lớn toàn cầu; rà soát, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN khôi phục sản xuất, kinh doanh…

Theo ông Phạm Tất Thắng, giải pháp trọng yếu là cần tăng tốc chuyển đổi số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh cho DN. Đây là “chìa khóa” để DN nước ta chủ động, linh hoạt giải quyết khó khăn, thách thức đặt ra. Còn theo ông Phạm Thái Bình, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu vốn cuối năm và lãi suất cùng tăng cao.

Chuyên đề