Nhiều dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Standard Chartered, HSBC, SSI, VinaCapital… đã công bố những dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 - 2023, nhưng để hiểu và đặt niềm tin vào các dự báo thì người đọc cần nhìn vào cái gốc tạo nên tăng trưởng, đó là tổng cầu.
2 năm Covid-19, giá trị xuất nhập khẩu Việt Nam liên tục lập kỷ lục. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
2 năm Covid-19, giá trị xuất nhập khẩu Việt Nam liên tục lập kỷ lục. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Cái gốc tạo nên tăng trưởng

Trong 4 nhân tố tạo nên tổng cầu, mà theo nhà kinh tế học John Maynard Keynes là GDP quốc gia tại một mức giá, đang có sự khởi sắc rõ rệt, khi nền kinh tế đi qua 8 tháng đầu năm 2022.

Nhân tố đầu tiên là chi tiêu Chính phủ. 8 tháng đầu năm năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước ước đạt 285,4 nghìn tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch năm (là 542.105 tỷ đồng) và tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Như Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện 11 tờ trình, báo cáo Chính phủ về danh mục và phương án phân bổ vốn đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023. Theo đó, số vốn dự kiến bố trí cho các nhiệm vụ, dự án đã được Thủ tướng thông báo danh mục và mức vốn đã hoàn thiện thủ tục đầu tư lên đến 146.898 tỷ đồng. Khoản vốn này khi được giải ngân sẽ trực tiếp làm tăng tổng cầu trong nền kinh tế, là một trụ cột quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GDP Việt Nam.

Nhân tố thứ hai, đầu tư của khu vực doanh nghiệp, đang ghi nhận sự khởi sắc mạnh mẽ. 8 tháng đầu năm 2022, cả nước có 101,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 1.136,3 nghìn tỷ đồng, tăng 24,2% về số doanh nghiệp. Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có số vốn thực hiện ước đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021. Cùng với đó, có 676 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 7,51 tỷ USD, tăng 50,7% so với cùng kỳ năm trước.

Nhân tố thứ ba, xuất nhập khẩu. 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất siêu 3,96 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ở khu vực kinh tế trong nước đạt 66,14 tỷ USD, tăng 18,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 184,66 tỷ USD, tăng 17%. Trong 8 tháng năm 2022 có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Nhân tố thứ tư, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng qua 8 tháng năm 2022 ước đạt 3.679,2 nghìn tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 3,5%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,1% (cùng kỳ năm 2021 giảm 5,1%).

Nhìn từ 4 nhân tố cốt lõi tạo ra tổng cầu tại Việt Nam cho thấy, GDP Việt Nam tăng trưởng 7,72% trong quý II/2022 là dễ hiểu. Đà tăng trưởng chắc chắn sẽ tiếp tục cao trong quý III/2022 và xa hơn, nếu không có những biến động quá bất thường.

Nội lực của nền kinh tế đang tốt lên

Cuối tháng 8/2022, Ngân hàng Standard Chartered công bố giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở 10,8% vào quý III/2022, cả năm là 6,7%. SSI Research thì tin rằng, nửa cuối năm 2022 và năm 2023, tăng trưởng Việt Nam được tạo nên bởi hoạt động đầu tư, trong đó đầu tư công là động lực chính. Theo SSI, tăng trưởng GDP có thể đạt 7,0% năm 2022; đến năm 2023, sẽ tăng trên 7% nếu thực hiện thành công Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong kịch bản kém khả quan hơn, GDP năm 2023 của Việt Nam có thể dao động từ 6,3% - 6,5%.

Lạc quan nhất là VinaCapital - Quỹ đang quản lý gần 4 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam, khi dự báo tăng trưởng GDP nước ta đạt 7,5% trong năm 2022. Ông Michael Kokalari, CFA, Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital lý giải, GDP tăng mạnh trong quý II và quý III sắp tới (dự báo đạt trên 10%) chính là chất xúc tác thúc đẩy các nhà đầu tư mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều mà Việt Nam cần giữ vững đó là giá trị đồng nội tệ, cán cân xuất nhập khẩu, tỷ lệ lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô... Những yếu tố này vừa là vẻ đẹp, vừa là điểm sáng của Việt Nam trên trường quốc tế, khi nhiều quốc gia đang phải đối mặt những diễn biến khắc nghiệt, như lạm phát tăng cao, suy thoái sâu, thiên tai, chiến tranh…

Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế gợi mở cách để nhận ra nội lực nền kinh tế Việt Nam đang tốt lên, đó là nhìn vào chỉ số sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất nhập khẩu. 8 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 9,4% so với cùng kỳ, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4%. Việc chỉ số công nghiệp tăng cao hơn GDP cho thấy, nền sản xuất tại Việt Nam đang phát triển về chất. “Đây là con số đáng quan tâm, vì công nghiệp chế biến chế tạo sẽ giúp Việt Nam duy trì vị thế xuất khẩu bền vững”, ông nói.

Về xuất nhập khẩu, 2 năm Covid-19, giá trị xuất nhập khẩu Việt Nam liên tục lập kỷ lục: năm 2020, đạt 543,9 tỷ USD; năm 2021 đạt 668 tỷ USD. “Kết quả này cho thấy, nền sản xuất Việt Nam là “bầu trời sáng” trong thế giới đầy biến động”, ông Minh Anh nhận định. Nhìn sâu hơn, năm 2021, Việt Nam có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, nhưng 8 tháng đầu năm nay có 30 mặt hàng kim ngạch vượt 1 tỷ USD… Ngày càng nhiều doanh nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam tận dụng được cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế để nâng cao năng lực cạnh tranh, trụ vững và chiếm lĩnh trên thị trường xuất khẩu. Trong nước, thị trường 100 triệu dân luôn tạo nên rất nhiều cơ hội hấp dẫn cho các ý tưởng kinh doanh sáng tạo, tạo giá trị cho doanh nghiệp và góp sức vào tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Chuyên đề