Khơi thông sức sản xuất, đạt tăng trưởng trên 5%

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong 10 tháng đầu năm, nền kinh tế đã vượt qua nhiều thách thức và dần chuyển biến tích cực, song dự kiến có 5 chỉ tiêu khó đạt mục tiêu kế hoạch năm 2023. Giới nghiên cứu đánh giá tích cực về các giải pháp và sự quyết liệt của Chính phủ nhằm thúc đẩy doanh nghiệp hồi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời, khuyến nghị cần có những cải cách mang tính đột phá để đạt được kết quả cao nhất trong năm nay và năm sau.
Cần đẩy nhanh tốc độ triển khai đầu tư công, củng cố lòng tin của người tiêu dùng và các nhà đầu tư để bảo đảm tăng trưởng trong ngắn hạn. Ảnh: Tuấn Anh
Cần đẩy nhanh tốc độ triển khai đầu tư công, củng cố lòng tin của người tiêu dùng và các nhà đầu tư để bảo đảm tăng trưởng trong ngắn hạn. Ảnh: Tuấn Anh

Những chuyển biến tích cực

Báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội, đồng bào, cử tri quan tâm ngày 8/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong tháng 10/2023, tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) tiếp tục xu hướng tích cực, đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, sản xuất, kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn, thị trường lao động trong một số lĩnh vực suy giảm…

Thủ tướng cho biết, dự kiến có 5 chỉ tiêu của năm 2023 khó đạt kế hoạch đề ra. Đó là: tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP); GDP bình quân đầu người; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, trong thời gian còn lại của năm 2023, Chính phủ nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, tạo đà cho việc thực hiện kế hoạch năm 2024.

Theo đó, Chính phủ chỉ đạo tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước; mở rộng xuất khẩu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài. Đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là mở rộng thị trường, kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành, lĩnh vực mới nổi và công nghiệp hỗ trợ. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông nghiệp. Tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy liên kết vùng, phát huy vai trò của 6 vùng KTXH, tạo các động lực mới cho phát triển nhanh, bền vững.

Thúc đẩy nội lực, khơi thông sức sản xuất

Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VERP) cho rằng, giữa những khó khăn chồng chất từ bên ngoài gây áp lực lớn cho việc hoàn thành các mục tiêu phát triển KTXH của năm 2023, có thể thấy rõ sự quyết tâm vào cuộc quyết liệt từ cấp cao nhất nhằm khơi thông các động lực để thúc đẩy tăng trưởng.

Chính phủ phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2023 đạt trên 5%, tạo đà cho việc thực hiện kế hoạch năm 2024. Ảnh: Nhã Chi

Chính phủ phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2023 đạt trên 5%, tạo đà cho việc thực hiện kế hoạch năm 2024. Ảnh: Nhã Chi

Về vĩ mô, chính sách giảm, giãn các khoản thuế, phí và các nghị quyết, chỉ đạo liên tục tháo gỡ khó khăn của Chính phủ đã phát huy hiệu quả nhất định trong việc giảm số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, kích thích cầu tiêu dùng trong nước, qua đó góp phần khôi phục từng bước đà phục hồi tăng trưởng của 2 quý gần đây.

Lãi suất giảm liên tục trong những tháng đầu năm và việc gia tăng hạn mức tín dụng tại một số ngân hàng được kỳ vọng góp phần giải quyết các khó khăn của khu vực sản xuất, kinh doanh. Chính phủ đã và đang nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, giúp chỉ tiêu này cao hơn đáng kể so với các năm trước đó, đây là một điểm sáng thành công của năm 2023.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Quốc Việt cũng khuyến nghị, trong bối cảnh chung của kinh tế Việt Nam, cần nhìn nhận lại những động lực tăng trưởng từ bên trong, nhất là các động lực nhằm bảo đảm sự tự chủ nền kinh tế. Động lực tăng trưởng vẫn phải đến từ khu vực doanh nghiệp và đầu tư xã hội (bao gồm cả đầu tư tư nhân trong nước lẫn đầu tư nước ngoài). Do vậy, phải kiên quyết khai thông sức sản xuất, kinh doanh, tạo mọi điều kiện thông thoáng về môi trường kinh doanh, phục hồi niềm tin từ sản xuất đến tiêu dùng trong và ngoài nước.

Chính vì vậy, bên cạnh những chính sách hỗ trợ và phục hồi nền kinh tế nói chung, để phát huy sức mạnh nội lực của hệ thống doanh nghiệp trong nước, cần tiếp tục có những cải cách đột phá về thể chế nhằm thúc đẩy hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, đồng thời cần cải cách thể chế và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phục hồi tăng trưởng của khu vực tư nhân trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Về đầu tư công, để giải quyết căn cơ việc chậm giải ngân đầu tư công, theo ông Việt, cần phải có những đột phá trong cách tiếp cận vấn đề, trong cách làm và có phương án quản trị rủi ro. Trong xây dựng kế hoạch dự án, cần có phân tích, đánh giá rủi ro cũng như đánh giá tác động tổng thể để tránh phải giải quyết vấn đề mang tính tình huống như tình trạng thiếu nguyên liệu, biến động giá cả… Những giải pháp thí điểm như tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng, hay việc quy hoạch đồng bộ giữa tuyến đường giải phóng mặt bằng với quy hoạch các nguồn nguyên vật liệu cần phải được nâng lên thành quy định chung, sẽ tạo sự chủ động và đẩy nhanh triển khai thực hiện.

Nhiều tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước cũng đánh giá cao các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được thực hiện trong thời gian qua và dự kiến triển khai trong năm tới của Chính phủ.

Tại báo cáo kinh tế vĩ mô vừa công bố, Nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán VCBS cho rằng, nhìn nhận các khó khăn đối với nền kinh tế, Chính phủ đã và đang có nhiều biện pháp liên quan đến chính sách tài khóa như tăng cường giải ngân vốn đầu tư công (trọng điểm các dự án hạ tầng tăng cường kết nối vùng), cân nhắc gia hạn thời gian giảm thuế giá trị gia tăng sang năm 2024… Các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ được dự báo sẽ tạo ảnh hưởng tích cực lên tăng trưởng. Theo đó, VCBS dự báo tăng trưởng quý IV đạt 6,5% - 7%.

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô về kinh tế Việt Nam được công bố đầu tháng 10, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 chỉ ở mức 4,7% do tiêu dùng tư nhân yếu đi, thị trường bất động sản ảm đạm và nhu cầu bên ngoài giảm mạnh.

WB khuyến nghị, để bảo đảm tăng trưởng trong ngắn hạn, cần đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công, củng cố lòng tin của người tiêu dùng và các nhà đầu tư. Trong dài hạn, Việt Nam kỳ vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt được mục tiêu đó, WB khuyến nghị, Việt Nam cần nâng cao năng suất qua cải thiện các nền tảng căn bản của khu vực tài chính, xử lý những ách tắc về thể chế trong đầu tư công nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt hạ tầng, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để khu vực tư nhân trong nước hoạt động hiệu quả hơn, bên cạnh việc xử lý những rủi ro về biến đổi khí hậu và bền vững môi trường.

Chuyên đề