Khơi thông nguồn lực từ các dự án đầu tư công đang vướng mắc, gặp khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư là nhiệm vụ đang được Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh để khơi thông nguồn lực quan trọng của đất nước đang dồn đọng tại các dự án đã và đang triển khai nhưng chưa đi vào hoạt động được. Qua trao đổi sơ bộ, một số địa phương đã phản ánh những khó khăn vướng mắc liên quan tới việc phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng (GPMP)…
Ảnh minh họa internet
Ảnh minh họa internet

Vướng mắc từ khâu chuẩn bị dự án đầu tư

Triển khai nhiệm vụ của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổ chức một số buổi họp trực tuyến với địa phương để ghi nhận những khó khăn, vướng mắc liên quan tới việc thực hiện các dự án đầu tư.

Theo đó, liên quan tới các dự án đầu tư công, một vài địa phương còn gặp vướng mắc trong quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư; điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Đơn cử, tại Quảng Ninh, ông Cao Tường Huy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, việc thực hiện quy định tại Khoản 2 Điều 52 Luật Đầu tư công trên thực tế là rất khó khăn do khó có thể lập, trình phê duyệt chủ trương đầu tư tất cả các dự án trong kế hoạch trung hạn 5 năm tại thời điểm đầu của 5 năm kế hoạch; đồng thời mức vốn của dự án tại thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ không còn phù hợp khi triển khai thực hiện ở các năm sau, đặc biệt là những năm cuối của kế hoạch.

Từ thực tiễn triển khai tại tỉnh Quảng Ninh, đã có các tình huống dự án phải điều chỉnh ở nhiều mức độ khác nhau. Tuy nhiên, việc xác định những trường hợp điều chỉnh dự án nào đòi hỏi phải thực hiện đồng thời quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư. Do đó, tỉnh Quảng Ninh đề nghị bổ sung khoản mới trong Điều 34 Luật Đầu tư công, trong đó quy định rõ các trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư như: thời gian thực hiện, mục tiêu, phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư dự án... Việc bổ sung nội dung này sẽ giúp làm rõ các trường hợp cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư, giúp các đơn vị có nhu cầu điều chỉnh dự án trong quá trình triển khai hạn chế vi phạm quy định của Luật.

Cũng vướng mắc trong công tác điều chỉnh chủ trương đầu tư, TP. Hà Nội cho biết, Luật Đầu tư công chưa nêu rõ điều khoản chuyển tiếp đối với việc điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án nhóm A (trước đây được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư), sau khi Luật Đầu tư công năm 2019 có hiệu lực thì được giao thẩm quyền xuống HĐND, nhưng chưa có hướng dẫn điều khoản chuyển tiếp như thế nào. Do đó, Hà Nội đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư là của HĐND Thành phố Hà Nội.

Ngoài ra, Hà Nội đề xuất, cần thiết có quy định để phân cấp ủy quyền trong đầu tư công nhằm đẩy mạnh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện một số dự án đầu tư công thuộc nhiệm vụ chi của Thành phố đã và đang được thực hiện bằng ngân sách cấp huyện.

Ghi nhận phản ánh của các địa phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông nhấn mạnh quan điểm, đối với một số kiến nghị của địa phương trong quá trình triển khai Luật do cách hiểu chưa được thống nhất, Tổ công tác sẽ tổng hợp lại các vướng mắc để đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi và thống nhất cách hiểu để triển khai thực hiện dễ dàng. Đối với những kiến nghị của địa phương có cơ sở thực tiễn thì sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành trong thẩm quyền của mình sớm sửa đổi những quy định đó, tạo thuận lợi cho các địa phương thực hiện. Trường hợp những khó khăn, vướng mắc cần phải sửa đổi ở cấp luật thì sẽ báo cáo Chính phủ, đề xuất Quốc hội, sau đó giao các bộ ngành tổng hợp, báo cáo đề xuất sửa đổi sau này.

Gỡ nút thắt GPMB

Theo ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở KH&ĐT TP. Hà Nội, quá trình triển khai dự án tại Hà Nội trong nhiều năm qua bị kéo dài do vướng mắc về công tác GPMB, tái định cư ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.

Tại một số dự án (Xây dựng đường Vành đai 1 Hoàng Cầu - Voi Phục; Tuyến đường số 3, số 5 vào trung tâm Khu đô thị mới Tây Hồ Tây; Tuyến đường số 8 Khu đô thị Bắc Cổ Nhuế - Chèm), người dân còn có kiến nghị về giá đất, cơ chế đối với đất có nguồn gốc đất nông nghiệp các hộ dân đã sinh hoạt ổn định lâu năm, vấn đề quy hoạch, quỹ nhà tái định cư chưa hoàn thành, không nhận tiền bồi thường, không đồng thuận phương án bồi thường gây ảnh hưởng đến mặt bằng thi công…

Do vậy, Hà Nội đề nghị nghiên cứu, báo cáo đề xuất cho phép tách riêng dự án GPMB để triển khai theo quy hoạch và cho phép áp dụng cơ chế thanh toán qua Quỹ đầu tư phát triển, không theo quy định dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Cũng kiến nghị tách riêng dự án GPMB trong dự án đầu tư công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết, cách làm này được Tỉnh thực hiện rất hiệu quả. Ông Huy dẫn chứng, Quảng Ninh vừa quyết định thực hiện một dự án đầu tư công nhóm A (Dự án Đường ven sông từ Quảng Yên tới Đông Triều có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, trong đó công tác GPMB là 1.500 tỷ đồng) và quyết định tách ra thành 2 tiểu dự án. Trong đó, dự án GPMB là một tiểu dự án riêng và việc thực hiện GPMB của tiêu dự án này rất hiệu quả và nhanh chóng. Do đó, tỉnh Quảng Ninh kiến nghị, việc tách dự án GPMB chỉ cần căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt là có thể phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư.

Chia sẻ với địa phương, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Bộ KH&ĐT đã có nghiên cứu tách dự án GPMB ra khỏi dự án đầu tư công (với các dự án nhóm A, B, C), nhưng quá trình nghiên cứu thấy có vướng mắc, chưa đồng bộ giữa các quy định pháp luật đầu tư công, xây dựng và đất đai. Do đó, Bộ KH&ĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ cần có tổ công tác bao gồm đại diện nhiều bộ, ngành để nghiên cứu sâu hơn, để đề nghị sửa đổi rốt ráo hơn đối với nội dung này. Bộ KH&ĐT cũng xác định rõ, GPMB chính là nút thắt làm chậm quá trình giải ngân đầu tư công, do đó Bộ rất mong nhận được ý kiến đề xuất nên tách phần GPMB ở giai đoạn nào của dự án đầu tư… dựa trên các kinh nghiệm của địa phương để tổng hợp, báo cáo Chính phủ đề xuất sửa đổi cho phù hợp.

Chuyên đề