Dự thảo Quyết định của Thủ tướng đưa ra 20 trường hợp mua sắm đảm bảo hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt. Ảnh: Tiên Giang |
Đây là văn bản hướng dẫn được kỳ vọng sẽ gỡ vướng cho quá trình thực hiện mua sắm thường xuyên.
Vướng trong thực hiện
Mua sắm thường xuyên theo quy định của Luật Đấu thầu là các nhiệm vụ mua sắm của các cơ quan, đơn vị được thực hiện kinh phí ngân sách nhà nước thuộc nguồn ngân sách chi thường xuyên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (không phải từ nguồn chi đầu tư phát triển).
Trong mua sắm thường xuyên thường là các gói thầu có giá trị không lớn, mua sắm nhiều lần, hay lặp lại ở các cơ quan khác nhau và từ trước đến nay cũng chưa có trường hợp nào trong mua sắm thường xuyên trình Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng theo Điều 26 Luật Đấu thầu. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy có những vướng mắc trong mua sắm thường xuyên liên quan đến hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đấu thầu về những vướng mắc nêu trên, một chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu cho biết: Trước đây, Thông tư 68/2012/TT-BTC ngày 26/4/2012 của Bộ Tài chính quy định việc đấu thầu để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân có quy định về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt (tại Điều 36 của Thông tư). Tuy nhiên, khi Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 68/2012/TT-BTC và thay thế bằng Thông tư 58/2016/TT-BTC thì có một số nội dung, quy định đã thay đổi.
Cụ thể, trong quá trình soạn thảo Thông tư, Bộ Tài chính đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cho phép Bộ Tài chính quy định việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với một số gói thầu mua sắm thường xuyên đã được áp dụng ổn định để tiếp tục quy định trong Thông tư. Tiếp đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định chi tiết về mua sắm thường xuyên phù hợp với thẩm quyền và quy định của pháp luật về đấu thầu và các quy định có liên quan. Theo đó, Thông tư 58/2016/TT-BTC không đề cập đến việc lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt vì quy định như trong Thông tư 68/2012/TT-BTC là vượt thẩm quyền của Bộ Tài chính.
Theo chuyên gia này thì vì hiện nay Thông tư 58/2016/TT-BTC không còn bao gồm nội dung về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt như Thông tư 68/2012/TT-BTC trước đây, nên trong thực tế việc áp dụng Điều 26 của Luật Đấu thầu đối với hoạt động mua sắm thường xuyên đang còn nhiều lúng túng và vẫn chờ văn bản hướng dẫn.
Cụ thể, tại Điều 24 của Thông tư 58 quy định trường hợp gói thầu, dự án xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại các Điều 20, 21, 22, 23, 24 và 25 của Luật Đấu thầu thì người có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà thầu.
Theo Bộ Tài chính, nếu tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn hiện hành và không có văn bản hướng dẫn các trường hợp đặc thù trong mua sắm thường xuyên thì các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước sẽ gặp khó khăn, vướng mắc do quá nhiều thủ tục trong quá trình mua sắm.
Tạo thuận lợi trong triển khai
Cuối tháng 12/2016, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ KH&ĐT về việc hoàn thiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục một số gói thầu, nội dung mua sắm đảm bảo hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu. Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý xây dựng, ban hành Dự thảo Quyết định này theo trình tự, thủ tục rút gọn. Bộ KH&ĐT triển khai thực hiện theo đúng quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ KH&ĐT cho biết, hiện Bộ đã hoàn thiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chuẩn bị gửi Bộ Tư pháp thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành theo trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật rút gọn được quy định tại Điều 148 và Điều 149 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13.
Dự thảo Quyết định gồm 4 Điều, khi được ban hành được kỳ vọng sẽ gỡ vướng cho quá trình thực hiện mua sắm đảm bảo hoạt động thường xuyên. Theo Dự thảo, có 20 trường hợp mua sắm đảm bảo hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt. Ngoài 20 trường hợp nêu tại Dự thảo, các trường hợp đặc biệt khác theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu thực hiện theo đúng quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.