Khơi nguồn vốn cho DN đổi mới sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam đang mạnh về số lượng, song chủ yếu trong giai đoạn hạt giống, khó có khả năng bứt phá do thiếu nguồn lực tài chính. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa khởi động Dự án hỗ trợ kỹ thuật cho DN khởi nghiệp có tính ĐMST (ADB Ventures) nhằm tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho ĐMST và khởi nghiệp của DN Việt .
9 tháng đầu năm 2021, các nhà đầu tư mạo hiểm rót khá nhiều vốn vào lĩnh vực giáo dục, y tế, tự động hóa… Ảnh: Nhã Chi
9 tháng đầu năm 2021, các nhà đầu tư mạo hiểm rót khá nhiều vốn vào lĩnh vực giáo dục, y tế, tự động hóa… Ảnh: Nhã Chi

Tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận vốn

Phát biểu tại Lễ công bố ADB Ventures, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, như các DN khác, đại dịch Covid-19 đã khiến cộng đồng DN khởi nghiệp toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư, nhất là dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng có sự giảm sút.

Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam năm 2020 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và Quỹ Đầu tư mạo hiểm Do Ventures công bố gần đây cho thấy, năm 2019 là một năm thành công của các startup công nghệ Việt Nam khi thu hút lượng vốn đầu tư kỷ lục 861 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với 2018. Tuy nhiên, năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát và lây lan rộng đã kéo theo suy giảm kinh tế toàn cầu, khiến đầu tư vào công nghệ tại Việt Nam chững lại, tổng vốn đầu tư giảm 48% so với năm 2019.

“Việc hợp tác giữa NIC thuộc Bộ KH&ĐT và ADB để triển khai thực hiện Dự án ADB Ventures là hết sức cần thiết và là bước khởi đầu quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới nhằm huy động các nguồn lực, góp phần giải quyết bài toán về nguồn vốn cho DN khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.

ADB Ventures có giá trị 1 triệu USD với thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2023, tập trung hỗ trợ các DN khởi nghiệp ĐMST trong các lĩnh vực: công nghệ sạch, công nghệ tài chính, nông nghiệp và sức khỏe, y tế hướng tới mục tiêu tăng khả năng tiếp cận vốn đầu tư mạo hiểm tại thị trường Việt Nam thông qua các khoản tài trợ. Thông qua đó, ADB Ventures giúp các DN ĐMST giải quyết thách thức về rủi ro thị trường trong giai đoạn đầu, khuyến khích DN phát triển các giải pháp công nghệ có thể tạo ra sự thay đổi tích cực đến biến đổi khí hậu, bình đẳng giới.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng, nguồn vốn từ chương trình hạt giống này sẽ hỗ trợ DN ĐMST Việt Nam thu hút thêm nhiều nguồn vốn khác hướng tới phát triển bền vững.

Dự báo kỷ lục đầu tư mới

Liên quan tới hoạt động đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam, bà Lê Hoàng Uyên Vy, nhà sáng lập Do Ventures cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19 và là thị trường mới, nhưng 9 tháng đầu năm 2021, lượng vốn đầu tư vào DN khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam đang phục hồi rõ rệt.

“Số thương vụ đầu tư trong 9 tháng đầu năm 2021 đã nhanh chóng hồi phục về mức ngang bằng với cả năm 2020 và dự kiến sẽ đạt kỷ lục trong năm 2021”, bà Vy dự báo và cho biết, tổng số tiền của các thương vụ trong 9 tháng ước tính đạt hơn 600 triệu USD.

Nhà sáng lập Do Ventures cho rằng, với hàng loạt thương vụ đang được kỳ vọng thực hiện trong quý IV thì dự kiến năm 2021, số tiền đầu tư vào các thương vụ này nhiều khả năng sẽ đạt trên 1 tỷ USD - con số cao nhất từ trước tới nay của thị trường đầu tư công nghệ, đánh dấu phục hồi lớn của nền kinh tế số Việt Nam.

Theo ngành nghề đầu tư, bên cạnh công nghệ bán lẻ, tài chính thì 9 tháng đầu năm 2021, các nhà đầu tư mạo hiểm rót khá nhiều vốn vào lĩnh vực giáo dục, y tế, tự động hóa… với giá trị trung bình của các khoản đầu tư liên tục tăng ở những vòng gọi vốn tiếp theo.

Về tầm nhìn năm 2022, bà Vy cho biết, qua khảo sát 50 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động tại 6 thị trường lớn ở Đông Nam Á (Việt Nam, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan) thì Việt Nam là điểm đến đầu tư hàng đầu, theo sau là Indonesia.

Liên quan vấn đề này, chia sẻ với Báo Đấu thầu trước đó, bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc Quỹ đầu tư Nextrans tại Việt Nam, phụ trách thị trường Đông Nam Á và Mỹ nhận định, không riêng Nextrans mà rất nhiều quỹ đầu tư khác kỳ vọng vào sự phục hồi nhanh chóng của thị trường Việt Nam trong thời gian tới, nhất là khi các hoạt động thị trường được nối lại sau thời gian giãn cách để phòng, chống dịch.

Cũng tại sự kiện này, đại diện Công ty Giải mã gen Genetica và NIC đã ký biên bản hợp tác phát triển một trung tâm giải mã gen lớn nhất Đông Nam Á nhằm phục vụ cho nhu cầu giải mã gen, nghiên cứu ứng dụng thông tin gen đang ngày một phát triển tại Việt Nam và khu vực.

Chuyên đề