Khoảng trống lớn trong ngành công nghiệp thiết bị y tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việt Nam được đánh giá là quốc gia có thị trường trang thiết bị y tế (TTBYT) lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tuy nhiên hiện nay nhiều loại TTBYT vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Đại dịch Covid-19 như một cú hích để ngành công nghiệp thiết bị y tế trong nước có bước phát triển bứt phá nhờ những chính sách hỗ trợ phù hợp.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, doanh nghiệp Việt đã sản xuất
thành công các trang thiết bị như: máy thở, kit xét nghiệm Sars-CoV-2, khẩu
trang, trang phục phòng chống dịch... Ảnh: Huấn Anh
Trong bối cảnh dịch Covid-19, doanh nghiệp Việt đã sản xuất thành công các trang thiết bị như: máy thở, kit xét nghiệm Sars-CoV-2, khẩu trang, trang phục phòng chống dịch... Ảnh: Huấn Anh

Trang thiết bị y tế vẫn chủ yếu nhập khẩu

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay Việt Nam mới dừng lại ở việc sản xuất một số mặt hàng như: sản phẩm sử dụng một lần (bông, băng, gạc, khẩu trang, găng tay y tế, bơm, kim tiêm sử dụng một lần, dây truyền dịch, chỉ phẫu thuật, trang phục phẫu thuật; nội thất bệnh viện...

Về năng lực sản xuất, đa phần là các doanh nghiệp (DN) 100% vốn trong nước, có quy mô nhỏ và vừa. Trong đó có những DN rất nhỏ, yếu về nghiên cứu phát triển, trình độ công nghệ nhìn chung còn thấp, chậm được đổi mới, năng lực cạnh tranh còn thấp, có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực và châu lục. Khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu của DN Việt còn rất hạn chế, chủ yếu mới tham gia vào khâu gia công, lắp ráp. Tỷ lệ nội địa hóa ở mức thấp và nhất là số dự án đầu tư vào công nghệ cao chưa nhiều.

Theo Bộ Y tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tạinày như chất lượng lao động còn thấp; chính sách phát triển các DN công nghiệp còn nhiều hạn chế; hệ thống DN công nghiệp hỗ trợ kém phát triển. Mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các DN trong cùng một ngành và giữa các ngành còn hạn chế. Trong mỗi một chuỗi cung ứng của các DN FDI, DN Việt chỉ tham gia ở những khâu tạo giá trị thấp. Trong nước hiện chưa hình thành được các tập đoàn công nghiệp có quy mô tầm cỡ khu vực trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo để tạo hiệu ứng lan tỏa cho công nghiệp Việt Nam. Năng lực kiểm nghiệm, thử nghiệm lâm sàng TTBYT còn hạn chế. Nguyên liệu phụ thuộc nước ngoài. Tiêu chuẩn sản phẩm còn thấp so với quốc tế. Đầu ra không bền vững, khó cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại, và chưa ưu đãi nhiều trong đấu thầu...

Không sợ thiếu đầu ra

Đại dịch Covid-19 xảy ra làm bộc lộ rõ những khiếm khuyết và khoảng trống trong ngành công nghiệp đầy tiềm năng này. Nhưng cũng chính đại dịch này đã cho thấy nhiều DN của Việt Nam có khả năng, đã tham gia và nhanh chóng sản xuất thành công các TTBYT như: máy thở, kit xét nghiệm Sars-CoV-2, khẩu trang, trang phục phòng chống dịch... Các sản phẩm này không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước, mà còn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Theo Bộ Y tế, chưa nói đến xuất khẩu, chỉ tính riêng thị trường trong nước, nhu cầu sử dụng TTBYT ngày càng gia tăng. Mặt khác, Nhà nước đang có chủ trương đẩy mạnh việc phân cấp điều trị. Ngoài việc ưu tiên đầu tư cho tuyến bệnh viện trung ương, còn cần tiếp tục trang bị có chọn lọc các TTBYT công nghệ cao cho các bệnh viện tuyến tỉnh/thành phố, cũng như các TTBYT chuyên khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền cho các tuyến y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở.

Để tạo tiền đề phát triển ngành công nghiệp sản xuất TTBYT, theo đề xuất của Bộ Y tế tại Dự thảo Đề án Phát triển công nghiệp TTBYT sản xuất trong nước đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, cần sớm hoàn thiện chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước, thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm sản xuất trong nước từ các kết quả nghiên cứu...

Đồng thời, xây dựng, ban hành quy định về mua sắm TTBYT phù hợp với trình độ sử dụng và nhu cầu của từng tuyến y tế. Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chủng loại, cấu hình, nước sản xuất của trang thiết bị cho người đứng đầu các tổ chức sử dụng TTBYT, ưu tiên TTBYT sản xuất trong nước. Việc lập hồ sơ mời thầu phải căn cứ vào danh mục máy móc, TTBYT, nguyên liệu và vật tư y tế trong nước sản xuất được Bộ Y tế công bố. Xây dựng, ban hành chính sách ưu đãi cho các DN trong nước sản xuất TTBYT phục hồi chức năng và y học cổ truyền, tiệt trùng, TTBYT thông dụng..., nhất là các DN sản xuất, lắp ráp TTBYT công nghệ cao.

Cùng với đó là tăng cường phát triển hệ thống thử nghiệm về TTBYT...; khuyến khích các DN liên doanh, liên kết với nước ngoài, tiếp nhận công nghệ mới, nhập khẩu linh kiện đồng bộ để lắp ráp TTBYT công nghệ cao trong nước; từng bước chủ động nội địa hóa các chi tiết, linh kiện sản xuất vào năm 2025.

Đề án Phát triển công nghiệp TTBYT sản xuất trong nước đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025 ngành công nghiệp TTBYT sản xuất trong nước sẽ đáp ứng:

- 60% nhu cầu TTBYT phục hồi chức năng và y học cổ truyền;

- Trên 80% nhu cầu thiết bị tiệt trùng (dung tích nhỏ, vừa và lớn);

- 80% nhu cầu vật tư thông dụng và y cụ học đường;

- 40% nhu cầu vật liệu cấy ghép vào cơ thể;

- 30% nhu cầu thiết bị chẩn đoán hình ảnh gồm máy X-quang kỹ thuật số, máy siêu âm chẩn đoán, máy nội soi các loại (trên cơ sở liên doanh sản xuất với nước ngoài);

- 40% nhu cầu thiết bị phòng mổ, gây mê hồi sức như máy thở, máy gây mê, máy tạo ô xy cá nhân, thiết bị theo dõi bệnh nhân, dao mổ các loại, bàn mổ (trên cơ sở liên doanh sản xuất với nước ngoài);

- 80% nhu cầu kiểm định và kiểm tra chất lượng đối với TTBYT trước, trong và sau lưu hành tại các cơ sở y tế.

Chuyên đề