Khó kìm đà tăng lãi suất trước áp lực lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhu cầu tín dụng tăng mạnh trong thời gian gần đây và dự kiến sẽ còn tiếp tục ở mức cao trong nửa cuối năm. Đây được coi là lực đẩy chủ đạo đối với mặt bằng mặt lãi suất trong thời gian tới. Nhiều ý kiến dự đoán, để thích ứng với bối cảnh mới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể phải điều chỉnh lãi suất điều hành trong thời gian tới song mức tăng sẽ rất thận trọng để giảm tác động tiêu cực với doanh nghiệp và nền kinh tế.
Từ đầu tháng 7 đến nay, nhiều ngân hàng thương mại quyết định tăng lãi suất huy động từ 0,6 - 0,9%/năm tùy theo kỳ hạn. Ảnh: Nhã Chi
Từ đầu tháng 7 đến nay, nhiều ngân hàng thương mại quyết định tăng lãi suất huy động từ 0,6 - 0,9%/năm tùy theo kỳ hạn. Ảnh: Nhã Chi

Từ đầu tháng 7 đến nay, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) quyết định tăng lãi suất huy động từ 0,6 - 0,9%/năm tùy theo kỳ hạn. Trước đó, trong 6 tháng đầu năm, lãi suất huy động của các NHTM tăng từ 0,5 - 1% chủ yếu ở các kỳ hạn từ 6 - 12 tháng.

Đây được coi là hệ quả từ nhu cầu tín dụng tăng cao trong thời gian qua. Theo số liệu thống kê của NHNN, tính đến ngày 30/6/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%).

Kết quả cuộc điều tra xu hướng tín dụng tháng 6/2022 được NHNN công bố ngày 11/7 cũng nhận định, nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng trong 6 tháng đầu năm 2022 “tăng” so với 6 tháng cuối năm 2021 và cùng kỳ các năm 2020 - 2021. Dự kiến trong 6 tháng cuối năm, nhu cầu tín dụng tiếp tục cải thiện hơn so với 6 tháng đầu năm 2022 ở tất cả các lĩnh vực. Các tổ chức tín dụng cho biết đã nỗ lực thu hẹp chênh lệch lãi suất biên và phí phi lãi suất để hỗ trợ khách hàng vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhưng tiếp tục giữ nguyên hoặc có xu hướng “thắt chặt nhẹ” các điều kiện và điều khoản cho vay tổng thể để đảm bảo chất lượng tín dụng.

Theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, Ngân hàng HSBC Việt Nam, so với mục tiêu 14% của NHNN, hạn mức tín dụng cho toàn hệ thống vẫn còn. NHNN vẫn theo dõi sát sao thị trường và có thể điều chỉnh trong nửa cuối năm 2022 theo hướng ổn định, linh hoạt phù hợp điều kiện thực tế, mục tiêu quan trọng nhất là cung cấp đủ vốn cho kinh tế tăng trưởng nhưng vẫn phải kiểm soát hiệu quả lạm phát.

“Rủi ro lạm phát gia tăng sẽ thúc giục NHNN phải thắt chặt tiền tệ. Dựa trên những dự báo của chúng tôi, lạm phát nhiều khả năng sẽ nghiêm trọng hơn từ quý IV năm nay, thậm chí có lúc vượt trần 4% của NHNN. NHNN nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất điều hành 0,5 điểm phần trăm trong quý III/2022 (hiệu lực từ quý IV/2022) và dự báo sẽ tăng 0,5 điểm phần trăm mỗi quý kể từ quý IV/2022 cho đến quý III/2023. Lãi suất điều hành sẽ tăng lên 6,5% vào cuối quý III/2023”, ông Khoa nhấn mạnh.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, trước ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh đến nền kinh tế, với định hướng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng trong giai đoạn 2022 - 2023, dự báo NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát, đảm bảo cung tiền và tăng trưởng tín dụng phù hợp trong năm 2022.

Trong khi đó, theo khảo sát của nhóm nghiên cứu thuộc Công ty Chứng khoán SSI, nhiều NHTM đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động trong quý II/2022 và có mức chênh lệch khoảng 0,3 - 0,5 điểm phần trăm giữa lãi suất thực tế và niêm yết, thông qua các chương trình khuyến mãi cũng như cộng thêm phần trăm lãi suất dành cho gửi online.

Nhóm nghiên cứu này cho rằng, áp lực tăng lãi suất huy động sẽ tiếp tục ở mức cao trong cuối năm, đặc biệt là khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ 37% về 34% từ ngày 1/10/2022, theo quy định lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.

Còn theo nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán VCBS, do lãi huy động đang có xu hướng tăng, lãi suất cho vay cũng chịu áp lực tăng nhưng có độ trễ so với lãi suất huy động và sẽ có sự phân hóa giữa mức tăng và thời điểm tăng giữa các ngành nghề.

TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, có nhiều yếu tố khiến lãi suất khó kiềm giữ. Trong đó, rõ ràng nhất là nhu cầu tín dụng tăng cao, rủi ro lạm phát tăng cao. Bên cạnh đó, các nước trên thế giới đã và dự kiến tiếp tục tăng lãi suất khiến nỗ lực kiềm chế lãi suất là rất khó khăn.

“Trước những áp lực đó, việc áp dụng biện pháp hành chính để kêu gọi các ngân hàng giữ nguyên mặt bằng lãi suất là khó thực hiện. Do đó, việc điều hành chính sách tiền tệ nói chung và chính sách lãi suất nói riêng cần linh hoạt ứng phó, nỗ lực giữ mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết song không thể “bảo thủ” không tăng lãi suất. Nói cách khác, lãi suất điều hành nhiều khả năng sẽ tăng trong thời gian tới song mức tăng có thể không lớn”, ông Linh dự đoán.

Chuyên đề