Ông Võ Ngọc Sỹ, Giám đốc phát triển Dự án Asian Networks SII |
Thực tế, các dự án đầu tư nhà máy xử lý nước thải thường có số vốn lớn, địa phương khó có khả năng thu xếp nguồn vốn để trả cho nhà đầu tư trong thời gian ngắn. Do đó, thời gian hoàn vốn trong phương án tài chính đầu tư các dự án này thường được đề xuất kéo dài 15 năm, 20 năm, thậm chí là 25 năm để đảm bảo khả năng cân đối vốn của địa phương.
Thông thường, các địa phương sử dụng nguồn vốn từ: thu phí người dân cho việc xử lý nước thải; sử dụng nguồn vốn trung hạn để hoàn lại cho nhà đầu tư. Song, với việc thu phí người dân cho việc xử lý nước thải, thì phí này chỉ được xác định sau khi dự án đầu tư nhà máy xử lý nước thải hoàn thành và đưa vào sử dụng, sau đó HĐND cấp tỉnh mới ban hành phí bảo vệ môi trường, phí xử lý nước thải. Do đó, khi thực hiện dự án và tính toán phương án tài chính trong quá trình lập nghiên cứu khả thi, nhà đầu tư lại không có căn cứ để xác định phí này là bao nhiêu, lộ trình thu phí như thế nào để tính toán trong phương án tài chính của dự án.
Đối với nguồn vốn từ đầu tư công trung hạn, theo Luật Đầu tư công, HĐND cấp tỉnh thông qua nguồn vốn đầu tư trung hạn bố trí cho dự án đầu tư xử lý nước thải trong 1 - 2 kỳ trung hạn (tương đương tối đa là 10 năm). Trong khi các dự án này có phương án hoàn vốn trong thời gian thường kéo dài 15 - 20 năm, nên việc xác định nguồn vốn này trong thời gian dài của dự án cũng chưa có cơ sở pháp lý.
Do vậy, nhà đầu tư mong muốn cơ quan quản lý có hướng dẫn cụ thể trong việc xác định nguồn vốn cho các dự án đầu tư xử lý nước thải để đảm bảo phương án tài chính khả thi, gỡ vướng trong triển khai dự án.