Khó khăn bào mòn “sức khỏe” nhà thầu Đồng bằng sông Cửu Long

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiện tại, nhà thầu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhất là nhà thầu xây lắp công trình giao thông đối mặt với 2 khó khăn lớn. Thứ nhất là vấn đề cát đắp nền khan hiếm và giá bán rất cao. Trong khi giá niêm yết khoảng hơn 70.000 đồng/m3, giá bán thực tế tại các mỏ lên tới 120.000 đồng/m3 và có xu hướng tiếp tục tăng.

Ông Vương Đức Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Trường Phát

Nhà thầu xây lắp phải bù rất nhiều chi phí mua cát đắp nền và gồng mình chịu lỗ. Tỷ trọng cát nền cấu thành công trình giao thông từ 15 - 20% nên nhà thầu càng lỗ lớn. Do vậy nhiều nhà thầu không dám đấu thầu thi công xây lắp nữa. Không ít nhà thầu bỏ ngang hợp đồng, chấp nhận bị thu hồi bảo lãnh, bị phạt hợp đồng, ảnh hưởng uy tín và thậm chí rút khỏi thị trường. Các nhà thầu cố gắng bám trụ chờ cơ hội thì sức khỏe tài chính bị bào mòn nghiêm trọng. Không chỉ về giá cát, định mức do các địa phương tính toán, công bố cũng chưa sát với thực tế càng khiến nhà thầu thiệt đơn, thiệt kép.

Khó khăn lớn thứ hai là nhiều dự án giao thông không đủ mặt bằng để thi công do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài nhiều năm. Do vậy, tiến độ thi công bị chậm, hợp đồng bị kéo dài trong khi vật liệu xây dựng tăng giá mạnh so với thời điểm ký hợp đồng. Trong khi đó, hợp đồng xây lắp thường áp dụng theo hình thức trọn gói hoặc đơn giá cố định, không thể điều chỉnh giá nên nhà thầu chỉ có thể chấp nhận chịu lỗ, hoặc bỏ không thực hiện.

Để nhà thầu xây lắp vượt qua khó khăn, thực hiện tốt các dự án giao thông bảo đảm chất lượng, tiến độ, các cơ quan hữu trách cần có giải pháp tháo gỡ những bất cập trên tinh thần chia sẻ rủi ro. Có như vậy, cộng đồng nhà thầu xây lắp, nhất là các nhà thầu là doanh nghiệp vừa và nhỏ mới có thể duy trì hoạt động và vượt qua giai đoạn ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế.

Chuyên đề