Ảnh Internet |
Trả lời câu hỏi này trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, PGS. TS. Vũ Minh Khương thuộc Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhiều lần nhắc tới hai từ “khát vọng”. Ông Khương nhấn mạnh: Quan trọng vẫn là khát vọng. Có khát vọng sẽ huy động được sức mạnh tập thể, sức mạnh của cả dân tộc để đưa Việt Nam đi lên trở thành một nước công nghiệp hiện đại trên thế giới.
Khát vọng, quyết tâm thay đổi
Không thể phủ nhận, Việt Nam đang có những bước tiến quan trọng thể hiện ở 3 điểm, đó là hội nhập nhanh với thế giới, tôn trọng kinh tế thị trường và tôn trọng kinh tế tư nhân. 2 năm vừa qua, Chính phủ đã không ngừng nỗ lực xây dựng nền móng phát triển, để từ đó Việt Nam có thể cất cánh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải thẳng thắn nói với nhau những điểm nghẽn cơ bản cần giải quyết như thiếu minh bạch về thông tin, thu hút người tài vào hệ thống còn hạn chế, chưa có chế độ khác biệt giữa người làm kém với làm tốt.
Dàn trải, lãng phí trong đầu tư công cũng là một điểm nghẽn cần giải quyết. Phân bổ nguồn lực còn hạn chế, phải thấy ngành, lĩnh vực nào hiệu quả, tạo ra tiền của thì đầu tư chứ không thể tràn lan.
Một điểm quan trọng nữa cần nói tới, đó là mô hình tăng trưởng trong thời gian qua chủ yếu dựa vào thúc đẩy đầu tư mở rộng và thu hút đầu tư nước ngoài dựa trên lợi thế lao động giá rẻ. Điều này khiến kinh tế Việt Nam khó “cất cánh” để bắt kịp các nước tiên tiến trong chặng đường phía trước.
Xuyên suốt tất cả vẫn là điều mà người ta hay nhắc đến, đó là điểm nghẽn về thể chế. Có rất nhiều giải pháp quan trọng, nhưng đặt lên hàng đầu tôi cho rằng đó là khát vọng, là quyết tâm thay đổi, đổi mới.
Sợ nhất là không có khát vọng. Ngày xưa dân tộc ta từng đánh thắng Mỹ, thắng Pháp đâu phải vì đông quân, vũ khí hiện đại, mà chính bởi dân tộc ta có khát khao. Nếu không có quyết tâm, khát vọng thì sẽ khó vượt qua được sự trì trệ. Mà hậu quả của sự trì trệ là rất lớn, nó khiến ta không nắm bắt được những cơ hội tiềm tàng đã xuất hiện của nền kinh tế.
Năng suất lao động của Việt Nam dù có tăng nhưng vẫn thua kém so với nhiều nước trong khu vực, thậm chí thua cả Lào. Vậy thưa ông, năng suất lao động có phải là điểm nghẽn của nền kinh tế?
Năng suất lao động thấp không phải là điểm nghẽn, nhưng nếu chúng ta hài lòng với điều này thì đó sẽ là một điểm nghẽn nguy hiểm. Hài lòng là gì, là chúng ta chấp nhận thấp như thế và xoay xở rồi tìm mô hình phù hợp năng suất thấp. Điều đó rất nguy hiểm.
Nếu nhìn ở góc độ lạc quan thì năng suất lao động thấp và nghèo thậm chí còn là lợi thế. Sợ nhất mình giàu rồi, năng suất cao mà không cố gắng. Tuy nhiên, đây là điểm yếu mà mình không khắc phục thì sẽ rất khó để phát triển. Hãy tự nghĩ là cách làm cũ của mình đúng chưa? Và sau đó quyết tâm, có khát vọng thay đổi cho bằng được. Đó chính là giải pháp nâng cao năng suất.
Mục tiêu, khát vọng và người tài
Như ông đã nói, trì trệ là rất nguy hiểm. Vậy Việt Nam cần đổi mới, thay đổi như thế nào để có thể phát triển so với chính mình và so với các nước trên thế giới?
Trong câu chuyện này, tôi muốn nhấn mạnh đến 3 yếu tố: mục tiêu, khát vọng và người tài.
Đầu tiên đó lãnh đạo đất nước ngồi với nhau, làm ra một nghị quyết như một lời tuyên ngôn là 30 năm tới đi tới đâu. Phải tạo một khát vọng lớn cho dân tộc. Khi có một cái gì đó đã thông ở trên thì ở dưới sẽ “rung chuyển”.
Sau khi có mục tiêu rồi phải có khát vọng thực hiện. Giương được ngọn cờ khát vọng sẽ thu hút được hiền tài.
Xác định được mình đang ở đâu, đâu là thế mạnh của mình… thì mới có những bước đi để triển khai như đi như thế nào, chọn người nào thực hiện. Đó là những bài căn bản thôi mà nếu lãnh đạo lắng nghe thì sẽ làm được rất nhanh.
Sẽ có người hỏi tiếp sau 3 yếu tố trên thì cần có giải pháp gì không? Tôi muốn nhấn mạnh rằng, khi có được người tài rồi họ sẽ thiết kế, họ nghĩ ra những cách thông minh để thực hiện. Việt Nam không phải là không có năng lực, nhưng tại sao chúng ta chưa phát triển? Tôi rất mừng khi mới đây tại Diễn đàn Phát triển bền vững, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những “đặt hàng” làm sao để Việt Nam đi nhanh hơn trước.
Các quốc gia trong khu vực đã thay đổi chính sách như thế nào để bắt kịp tốc độ thay đổi của thế giới?
Như tôi đã nói, hiền tài là yếu tố quan trọng. Những quốc gia phát triển thần kỳ trong khu vực như Singapore hay Hàn Quốc đều xuất phát từ người đứng đầu “khóc trước số phận của dân tộc”. Các nhà lãnh đạo như Park Chung Hee hay Lý Quang Diệu đã khiến cả một dân tộc phải cảm động trước tâm huyết cũng như tầm nhìn của họ.
Singapore có nguyên lý rất đơn giản, đó là coi trọng hiền tài, nhìn thấy hiền tài là mừng. Hàn Quốc hay Nhật Bản cũng là những câu chuyện kỳ vĩ về sự phát triển. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng làm bài toán cơ bản bắt đầu từ khát vọng, họ đặt mục tiêu rất cao để phát triển.
Trong khi đó, ở Việt Nam, nhiều cán bộ được bổ nhiệm vẫn ở mức trung bình nên không gây được cảm kích trong xã hội, nhiều người nắm cương vị nhất định nhưng chưa có sự chuyên nghiệp cao. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là sự phát triển của đất nước hoàn toàn phụ thuộc vào người lãnh đạo.
Việt Nam đang ở một giai đoạn tương đối đặc sắc, tức là người dân nhận thức rằng mình hoàn toàn có thể đi lên rất mạnh mẽ, chứ không còn phải hài lòng theo kiểu cũ nữa. Điều đó có nghĩa là tất cả mọi người đều có trách nhiệm với tương lai của đất nước. Tất nhiên cũng phải có nhiều diễn đàn, nhiều nơi để người tài có thể xuất hiện.
Bao giờ Việt Nam trỗi dậy?
Kỳ vọng của ông vào sự đổi mới của Việt Nam?
Nhìn từ bên ngoài vào, có thể thấy Việt Nam đang có khát vọng đổi mới rất lớn. Khát vọng đó thể hiện cả ở người dân, doanh nghiệp và cả ở lãnh đạo đất nước. Khát vọng đổi mới thể hiện ở nỗ lực chống tham nhũng hay việc tôn trọng kinh tế tư nhân, tập trung phát triển doanh nghiệp. Hội nhập toàn diện cũng là thể hiện khát khao đổi mới của Việt Nam.
Tôn trọng kinh tế tư nhân thì chúng ta không đói, tôn trọng kinh tế thị trường thì chúng ta khấm khá. Tuy nhiên, để đi đến phồn vinh thì chúng ta cần một bộ máy gọi là nhà nước kiến tạo phát triển, tức là rất tâm huyết với sự nghiệp phát triển, rất chuyên nghiệp và rất có trình độ. Đây là một thách thức lớn, là bài toán cải cách.
Nền tảng cho Việt Nam bước vào công cuộc đổi mới thứ hai có rất nhiều điểm tốt. 30 năm trước, chúng ta chỉ cố gắng thoát khỏi nghèo đói, thoát khỏi cô lập, thoát khỏi sự nghi kỵ. 30 năm tới, chúng ta muốn đi đến một xã hội phồn vinh, một nền tảng bền vững, thực sự hòa nhập với thế giới và có được sự tin cậy của thế giới.
Tuy nhiên, về chiến lược, mặc dù đã có những bước chuyển mình, nhưng mục tiêu chiến lược lớn đến đâu cần được làm rõ hơn nữa. Nếu Việt Nam thật sự muốn trở thành một nước công nghiệp hiện đại trong 3 thập kỷ tới thì cần có sự tính toán cụ thể, đầy đủ xem mỗi năm chúng ta đi được bao xa.
Tương lai Việt Nam đến đâu là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Phải cùng bắt tay nhau để thực hiện điều đó. Như thế hệ trước đã nói, cách mạng là sự nghiệp của toàn dân, không phải là câu chuyện cục bộ, cũng đừng nghĩ chỉ một vài đặc khu mà cứu được cả nền kinh tế.