Khẩn trương mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phòng chống Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Trước thách thức về tình hình dịch bệnh Covid-19 từ ngày 28/4/2021 đến nay có những diễn biến rất nghiêm trọng, các địa phương và sở y tế trên cả nước cần có sự chuẩn bị sẵn sàng về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, tránh rơi vào tình huống bị động, lúng túng khi xử lý các ca bệnh nặng.
Bắc Giang đang thiếu và cần hỗ trợ thêm 200.000 kit test nhanh để phục vụ công tác xét nghiệm để đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm cho nhóm có nguy cơ cao. Ảnh Lê Tiên
Bắc Giang đang thiếu và cần hỗ trợ thêm 200.000 kit test nhanh để phục vụ công tác xét nghiệm để đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm cho nhóm có nguy cơ cao. Ảnh Lê Tiên

Đó là chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 tại Công điện số 749/CĐ-BCĐQG ngày 26/5/2021 về việc khẩn trương rà soát và tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực, điều trị người bệnh Covid-19 tại các địa phương theo đúng phương châm “4 tại chỗ”.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, từ ngày 28/4/2021 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến rất nghiêm trọng, cả nước ghi nhận trên 2.000 ca bệnh tại 30 tỉnh, thành phố. Khoảng 10% ca bệnh có diễn biến nặng và rất nặng.

Do đó, một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay là Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần phải khẩn trương củng cố các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu. Đặc biệt là máy thở, hệ thống ô-xy trung tâm, khí nén, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu; tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại bệnh viện đa khoa tỉnh/thành phố và các bệnh viện được phân công thu dung điều trị ca bệnh Covid-19.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo các bộ ngành, địa phương phải chủ động chuẩn bị sẵn sàng cho phương án có 30.000 người mắc bệnh trên phạm vi toàn quốc theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phù hợp với điều kiện địa phương theo tinh thần “4 tại chỗ” (dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật trang thiết bị, thuốc men, phòng hộ tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ). Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn cụ thể về kinh phí và quy trình mua sắm trong trường hợp dịch bệnh.

Qua khảo sát của Báo Đấu thầu, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 này (từ ngày 28/4/2021 đến nay), cả nước có 124 gói thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế để phòng chống dịch đã hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu. 76 gói thầu lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu và chỉ định thầu rút gọn; 12 gói thầu thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh; 21 gói thầu thực hiện đấu thầu rộng rãi. Trong số những gói thầu lựa chọn nhà thầu theo hình thức cạnh tranh, nhiều gói thầu thực hiện qua mạng. Về quy mô, có 4 gói thầu mua sắm hàng hóa có quy mô từ 5 tỷ đồng đến 30 tỷ đồng; 22 gói thầu từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng.

Chủng loại hàng hóa được mua sắm phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 chủ yếu là kít, test xét nghiệm; sinh phẩm tách vật liệu di truyền và sàng lọc; vật tư lấy mẫu xét nghiệm; vật tư tiêu hao; sinh phẩm trang thiết bị y tế chẩn đoán invitro xác định vi rút; máy hút dịch; thiết bị bảo quản vắc xin; phương tiện phòng hộ cá nhân; in ấn phẩm tờ rơi… Một số địa phương còn triển khai mua sắm hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến để kịp thời chỉ đạo phòng chống dịch…

Tuy nhiên, thực tế từ khi bùng phát dịch lần thứ 4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 chỉ ra, một số địa phương không có sự chuẩn bị tốt về các điều kiện cấp cứu, hồi sức tích cực, nên khi có ca bệnh nặng đã xử lý lúng túng và chuyển tuyến trên, gây áp lực và quá tải cho các bệnh viện tuyến cuối.

Trong đợt dịch này, Bắc Giang và Bắc Ninh là những “điểm nóng” nhất, với số ca nhiễm bệnh tăng cao, có ngày lên tới 3 con số.

Số liệu của Báo Đấu thầu cho thấy, tính từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh có 32 gói thầu mua sắm hàng hóa phòng chống dịch với tổng giá trúng thầu là 39,247 tỷ đồng. Đa số thực hiện theo hình thức chỉ định thầu. Gói thầu có quy mô lớn nhất là 5,5 tỷ đồng, còn lại trên dưới 1 tỷ đồng.

Từ ngày 27/4/2021 đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu của 8 gói thầu do các đơn vị mua sắm thực hiện như: Bệnh viện Mắt; Bệnh viện Da liễu; Trung tâm Y tế TP. Bắc Ninh, huyện Tiên Du, thị xã Từ Sơn, huyện Yên Phong. Hàng hóa mua sắm là thùng đựng rác thải y tế nguy hại và sinh hoạt phục vụ cho khu cách ly tập trung chống dịch Covid-19; hóa chất; vật tư y tế; trang phục chống dịch; nhiệt kế điện tử, camera, mạng Lan; vật tư hành chính. Tổng giá trúng thầu là hơn 1,6 tỷ đồng.

Còn tại Bắc Giang, từ đầu năm 2020 cho đến trước đợt dịch thứ 4, Tỉnh đã chọn thầu cho 34 gói thầu; trong đó, 1 gói thầu có quy mô trên 5 tỷ đồng, 18 gói thầu từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng, còn lại là dưới 1 tỷ đồng. Trong đợt dịch này, Bắc Giang đã thực hiện chọn thầu 6 gói thầu mua sinh phẩm sàng lọc, sinh phẩm tách vật liệu di truyền, vật tư, hóa chất, sinh phẩm chẩn đoán Sar-CoV-2, và các trang thiết bị y tế khác với tổng giá trúng thầu là 10,329 tỷ đồng. Trong khi đó, theo đề xuất gần đây nhất của UBND tỉnh Bắc Giang vào ngày 27/5/2020, Tỉnh đang thiếu và cần hỗ trợ thêm 200.000 kit test nhanh để phục vụ công tác xét nghiệm để đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm cho nhóm có nguy cơ cao (mỗi ngày cần 50.000 test), do gặp khó khăn trong mua test và trang thiết bị cho đơn vị hồi sức tích cực chăm sóc bệnh nhân nặng (ICU) thứ 2.

Để tránh rơi vào tình trạng bị động, lúng túng, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 yêu cầu, không chỉ đối với các địa phương đã có ca nhiễm bệnh mà ngay cả những địa phương chưa có ca nhiễm cũng cần phải có sự chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó kịp thời khi cần thiết.

Một trong những bài học, kinh nghiệm thực tế để các địa phương có thể học tập là Đà Nẵng. Đây là địa phương đã có thành tích trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong đợt dịch thứ 2 xảy ra vào năm 2020 (từ ngày 25/7/2020) với sáng kiến sử dụng phương pháp lấy mẫu gộp 5 đã tiết kiệm được chi phí xét nghiệm (giảm xuống còn gần 12 tỷ đồng, thay vì hơn 55,4 tỷ đồng nếu xét nghiệm mẫu đơn), sau đó được cải tiến thành gộp 10 trong đợt dịch năm 2021. Sở Y tế và CDC Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ trao bằng khen. Trong thành tích đó, còn phải kể đến sự chuẩn bị của địa phương này trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Trong năm 2020, Đà Nẵng có 67 gói thầu mua sắm với tổng giá trúng thầu là 96,262 tỷ đồng, do 10 đơn vị mua sắm thực hiện (gồm: Sở Y tế TP. Đà Nẵng, CDC Đà Nẵng, Bệnh Viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi, Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Phụ sản - Nhi, Cục Hải quan TP. Đà Nẵng, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, Phòng Y tế quận Hải Châu).

Sau khi kiểm soát được đợt dịch từ ngày 28/7 - 26/9/2020, CDC Đà Nẵng tiếp tục lựa chọn nhà thầu cho 22 gói thầu để chuẩn bị sẵn sàng cho “cuộc chiến” tiếp theo. Trong đó, CDC Đà Nẵng chỉ định thầu 3 gói thầu (2 gói thầu mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm virus Sars-CoV-2 với tổng giá trúng thầu là 45,839 tỷ đồng).

Kể từ khi bùng phát đợt dịch thứ 4 đến nay, Đà Nẵng đã lựa chọn xong nhà thầu cho 22 gói thầu. Trong đó, có 3 gói thầu mua sinh phẩm xét nghiệm, vật tư y tế, máy tách chiết mẫu tự động do CDC Đà Nẵng mua sắm với tổng giá trúng thầu là 35,122 tỷ đồng.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề