Khan hiếm vật liệu đắp nền tại Đồng Nai: Kiến nghị gỡ vướng thủ tục cấp phép khai khoáng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để tháo gỡ vướng mắc về thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản, giải “cơn khát” vật liệu đắp nền, tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị rà soát, loại bỏ các thủ tục không cần thiết về cấp giấy phép khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp. Đồng thời, Tỉnh kiến nghị cho phép nhà thầu thi công được lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng khai thác đất tại các khu vực gò đồi không nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản.
Tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch, khoanh định các khu vực khai thác vật liệu san lấp với tổng diện tích 517 ha. Ảnh: Nhã Chi
Tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch, khoanh định các khu vực khai thác vật liệu san lấp với tổng diện tích 517 ha. Ảnh: Nhã Chi

Tại Gói thầu Xây dựng đường giao thông, mương thoát nước và đảm bảo giao thông đoạn 3 từ Km0+000 đến Km29+500 thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.763 từ huyện Xuân Lộc đến huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai), sau 2 tháng chạy đôn chạy đáo tìm mua sỏi đỏ (vật liệu đắp nền) mà không đạt kết quả đáng kể dù chấp nhận mua với giá cao, ông Đỗ Văn Vạn, Giám đốc Công ty TNHH Bá Lộc đã gửi văn bản tới các cơ quan hữu trách huyện Định Quán và tỉnh Đồng Nai với mong muốn nhận được trợ giúp nhằm tháo gỡ khó khăn. Theo ông Vạn, nghịch lý ở chỗ trữ lượng vật liệu san nền tại địa phương không thiếu nhưng vướng thủ tục cấp phép khai khoáng.

Dự báo trong 3 năm tới, chỉ tính riêng 8 dự án giao thông trọng điểm quốc gia và của tỉnh Đồng Nai, nhu cầu vật liệu san lấp khoảng 21,53 triệu m3. Chưa kể nhu cầu đất đắp nền rất lớn của hàng chục dự án giao thông địa phương được phân cấp cho các huyện, thị, thành phố làm chủ đầu tư. Để đáp ứng nhu cầu, tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch, khoanh định các khu vực khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp với tổng diện tích 517 ha. Tuy nhiên, thủ tục cấp phép khai khoáng đang là “nút thắt” lớn.

Đơn cử, theo Luật Khoáng sản, đất san lấp là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, do vậy việc cấp phép khai thác đất làm vật liệu san lấp phải tuân thủ quy định về nguyên tắc, điều kiện cấp giấy phép thăm dò, quy trình thăm dò, thành phần hồ sơ cấp phép thăm dò khoáng sản, nội dung giấy phép thăm dò, trình tự thủ tục phê duyệt trữ lượng… Thực tế, các mỏ vật liệu san lấp thường có diện tích, trữ lượng nhỏ, thời gian khai thác ngắn, giá trị kinh tế thấp, trong khi thủ tục cấp phép khai thác phức tạp, tốn kém cả kinh phí và thời gian nên các dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp không hấp dẫn nhà đầu tư. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, các luật Khoáng sản, Đất đai chưa được chỉnh sửa đồng bộ với Luật Đầu tư đã làm khó nhà đầu tư trong việc hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép khai thác khoáng sản.

Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có hướng dẫn việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, việc áp dụng các văn bản hướng dẫn của Bộ TN&MT chỉ trong 2 năm 2022 và 2023.

Mới đây, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai nêu, quá trình thực hiện Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn Luật, Nghị quyết số 57/2022/QH15 của Quốc hội, các nghị quyết số 105/NQ-CP, số 90/NQ-CP của Chính phủ đề cập tới 2 nhóm vướng mắc. Đó là xác nhận trữ lượng khoáng sản để thực hiện đăng ký khai thác; bàn giao mỏ khoáng sản và đất đai để địa phương quản lý theo quy định pháp luật về khoáng sản, đất đai.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cho biết: Tỉnh kiến nghị rà soát, loại bỏ các thủ tục không cần thiết về cấp giấy phép khai thác đất làm vật liệu san lấp sao cho đảm bảo việc đánh giá trữ lượng, chất lượng, bảo vệ môi trường và an toàn trong quá trình khai thác trước đây đã được quy định tại Điều 63 Nghị định số 68/CP (ngày 1/11/1996) và Điều 63 Nghị định số 76/2000/NĐ-CP (ngày 15/12/2000).

Trước mắt, để có nguồn vật liệu cho các công trình trọng điểm quốc gia và các dự án của Tỉnh, Đồng Nai kiến nghị cho phép nhà thầu thi công được lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng khai thác đất tại các khu vực gò đồi không nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản với thành phần hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều 53 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP. Các vị trí cho phép khai thác hạ độ cao phải bảo đảm nguyên tắc không ảnh hưởng đến công trình công cộng, không gây tác động xấu đến môi trường, cảnh quan… Cao trình kết thúc khai thác chỉ cho phép bằng cao trình các thửa đất xung quanh, bảo đảm sau khi khai thác không làm thay đổi mục đích sử dụng đất trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhà thầu phải phối hợp khảo sát đo đạc bản đồ địa hình, khoan khống chế chiều dày tầng đất và lấy mẫu phân tích đánh giá chất lượng, tính toán trữ lượng để UBND Tỉnh xác nhận trữ lượng làm cơ sở lập phương án khai thác, thiết kế mỏ, báo cáo đánh giá tác động môi trường và quyết định cho phép khai thác.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu xây lắp giao thông tại Đồng Nai kỳ vọng, vướng mắc về thủ tục cấp phép khai thác vật liệu đắp nền sớm được các cơ quan chức năng tháo gỡ để nhà thầu có nguồn vật liệu phục vụ thi công các công trình giao thông.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư