Khai phóng sức mạnh quốc gia bằng “chìa khóa” đổi mới sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khai phóng sức mạnh khoa học, công nghệ chính là việc hoàn thiện và vận hành các chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo quốc gia. Nói cách khác, chính sách đổi mới sáng tạo quốc gia là nền tảng để phát triển khoa học, công nghệ, khai phóng sức mạnh tri thức, nhằm mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao năng suất lao động trong toàn bộ các ngành thuộc nền kinh tế.
Chuyển đổi số quốc gia là yếu tố không thể thiếu trên hành trình đổi mới sáng tạo. Ảnh: LTT
Chuyển đổi số quốc gia là yếu tố không thể thiếu trên hành trình đổi mới sáng tạo. Ảnh: LTT

Sức mạnh đổi mới sáng tạo

Ngày nay, nước Mỹ coi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một nền tảng của nền kinh tế và là công cụ vô giá để hợp tác với các đối tác nước ngoài. Công cụ này là động cơ của xã hội hiện đại và sẽ là lực lượng quyết định quá trình toàn cầu hóa, phát triển kinh tế quốc tế.

Theo định nghĩa của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), đổi mới sáng tạo là “thực hiện một sản phẩm mới hay một sự cải tiến đáng kể (đối với một loại hàng hóa hay dịch vụ cụ thể), một quy trình, phương pháp marketing mới, hay một phương pháp tổ chức mới trong thực tiễn kinh doanh, tổ chức nơi làm việc, hay các mối quan hệ đối ngoại”.

Trên thực tế, đổi mới luôn mang cả khía cạnh công nghệ và phi công nghệ. Đổi mới “phi công nghệ” có tầm quan trọng như các đổi mới công nghệ, mặc dù các hoạt động đổi mới thường có giá trị nhất khi chúng phối hợp cả các thành phần công nghệ lẫn phi công nghệ. Trong các lĩnh vực phi thương mại, đổi mới cũng có tầm quan trọng tương đương, nếu không nói là hơn, so với lĩnh vực thương mại. Một số công trình nghiên cứu về hoạt động đổi mới sáng tạo tại các công ty hàng đầu thế giới đã chỉ ra rằng, những nỗ lực đổi mới chủ yếu chú trọng vào các đặc điểm kỹ thuật của sản phẩm hay dịch vụ, có thể dễ dàng sao chép hay bắt chước, trong khi các hoạt động đổi mới về mô hình kinh doanh hay các chuỗi giá trị lại bền vững và khó bắt chước hơn.

Thế giới đã bước qua 2 thập niên của thế kỷ XXI, để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, những yêu cầu về đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức tổ chức quản lý để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động đặt ra ngày càng gay gắt với tất cả các quốc gia. Nói đúng hơn, ngày nay, khoa học và công nghệ đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, hàng đầu. Những quốc gia phát triển đều đang sở hữu trình độ công nghệ tiên tiến nhất như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh, Thụy Điển, Isarel, Thụy Sỹ, Singapore, Hàn Quốc… Thực tế đã chứng minh, sức mạnh của mỗi quốc gia tùy thuộc phần lớn vào năng lực khoa học, công nghệ và khoa học, công nghệ không chỉ mang đến những thành quả lớn lao trong phát triển kinh tế, mà còn thúc đẩy sự tiến bộ về đời sống nhân loại. Đối với những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, để vươn lên, hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng thì đổi mới sáng tạo để có thể đạt được những bước tiến lớn trong lĩnh vực khoa học, công nghệ chính nhân tố quyết định.

7 lĩnh vực then chốt cần đổi mới sáng tạo

Đổi mới sáng tạo có mục tiêu cơ bản nhất là nâng cao năng suất lao động trong toàn bộ các ngành kinh tế và mỗi quốc gia đều không thể bỏ qua bất cứ một lĩnh vực nào trong tổng thể phát triển. Các quốc gia không thể đạt được tỷ lệ đổi mới cao một cách bền vững nếu chính phủ không thực hiện một phạm vi rộng các chính sách tạo năng lực đổi mới, nhằm tạo điều kiện cho mọi tổ chức, đơn vị có thể đổi mới thành công.

Trong thời đại Internet phủ sóng toàn cầu, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ, trí tuệ nhân tạo thường được nhắc đến, nhưng một nghiên cứu dày công trên toàn cầu của OECD đã chỉ ra 7 lĩnh vực mà các quốc gia cần đổi mới sáng tạo. Đó là, thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài (tỷ trọng 17,5%); khoa học và nghiên cứu, phát triển (17,5%); năng lực cạnh tranh nội địa (15%); quyền sở hữu trí tuệ (15%); công nghệ số/thông tin và truyền thông (17,5%); mua sắm công (10%) và nhập cư nguồn nhân lực kỹ năng cao (7,5%). Nghiên cứu của OECD cho đến đến nay vẫn là mô hình chuẩn với mọi quốc gia. Kết quả nghiên cứu của OECD tác động ngược đến nhiều chính phủ trong việc quyết định xây dựng chính sách về đổi mới sáng tạo nhằm mục tiêu phát triển quốc gia.

Theo đánh giá của OECD, nhiều nước đang phát triển thuộc châu Á nằm ở thứ hạng thấp về năng lực đổi mới sáng tạo, trong đó có Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Mexico là nước được đánh giá có thứ hạng thấp, cũng như các nước Nam Mỹ là Argentina và Peru. Nga được xếp hạng trung bình cao về chính sách khoa học và nghiên cứu, phát triển. Philippines được xếp hạng trung bình cao về chính sách nhập cư nhân lực kỹ năng cao…

Các đánh giá, xếp hạng có ý nghĩa quan trọng, bởi trong một nền kinh tế toàn cầu hóa, đổi mới sáng tạo cần được coi là “chìa khóa”, là động lực cơ bản của tăng trưởng kinh tế. Theo đó, tại từng quốc gia, chính sách cần tạo điều kiện cho các tổ chức thuộc nền kinh tế, cho dù là các doanh nghiệp tư nhân, các cơ quan nhà nước hay tổ chức phi lợi nhuận, có thể đổi mới thành công. Đó là yêu cầu khác biệt của chính sách đổi mới, so với những con đường tăng trưởng kinh tế tối ưu thông qua việc áp dụng các giải pháp khác.

Sự phát triển của nhiều nền kinh tế tiên tiến cho thấy, hoạt động chuyển đổi số quốc gia là yếu tố không thể thiếu trên hành trình đổi mới sáng tạo. Việt Nam đang đi đúng hướng khi triển khai song hành, toàn diện chiến lược chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hướng đi này sẽ giúp nước ta thiết lập một hạ tầng tri thức bền vững, nâng cao năng lực sáng tạo quốc gia, cơ cấu lại các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, lấy phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc làm mục tiêu. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển mạnh sang tăng trưởng dựa trên năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ.

Đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo

Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Trong nhiều năm qua, các văn kiện của Đảng luôn nêu quan điểm, phát triển khoa học và kỹ thuật là điều kiện không thể thiếu để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội; sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội càng phát triển thì vai trò của khoa học và kỹ thuật càng trở nên quan trọng. Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X, năm 2008 về đội ngũ trí thức đã chỉ rõ: “Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức”.

Đẩy mạnh phát triển khoa học và kỹ thuật chính là hình thành các tư liệu sản xuất vượt trội, làm thay đổi căn bản về lực lượng sản xuất. Với việc tích hợp 3 cuộc cách mạng công nghiệp về cơ khí hóa, điện khí hóa và tự động hóa, thế giới chuyển mình sang cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Với Việt Nam, để thực hiện được khát vọng phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045, cuộc cách mạng cần thực hiện thành công là đổi mới sáng tạo. Trong thời đại ngày nay, cuộc cách mạng này cần thực hiện trên nền tảng dữ liệu lớn (Big Data), kết nối vạn vật (Internet of Things) và trí tuệ nhân tạo (AI).

Chuyên đề