Khai hỏa cuộc chiến với lợi ích nhóm

(BĐT) - Quyết tâm của Chính phủ về xóa bỏ rào cản đầu tư kinh doanh sẽ được cụ thể hóa trong hàng chục nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp dự kiến ban hành vào ngày 1/7. Theo các chuyên gia, đây thực sự là “cuộc cách mạng” với mục tiêu xóa bỏ những biểu hiện của lợi ích nhóm.
Nhà nước chuyển hướng từ quản lý sang phục vụ doanh nghiệp. Ảnh: Tiên Giang
Nhà nước chuyển hướng từ quản lý sang phục vụ doanh nghiệp. Ảnh: Tiên Giang

Xóa bỏ những quy định bất hợp lý

Theo lộ trình, ngày mai (1/7), Chính phủ sẽ ban hành các nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sau một thời gian tập trung cao độ cho việc thực hiện rà soát các điều kiện kinh doanh và hoàn thiện các dự thảo nghị định hướng dẫn Luật.

Trước sự kiện này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây sẽ là “cuộc cách mạng” xóa bỏ rào cản đầu tư kinh doanh, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng hơn. Quyết tâm này cũng đã được người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định tại Hội thảo Đối thoại chính sách đầu tư 2016 diễn ra ngày 28/6 vừa qua, đó là: Tạo môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam hấp dẫn hàng đầu khu vực để đón làn sóng phát triển. “Chúng ta phải thay đổi theo hướng từ quản lý sang phục vụ, doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh nhưng Nhà nước sẽ giám sát chặt chẽ “đầu ra”, chứ không buông lỏng quản lý” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một chuyên gia kinh tế cho rằng, điểm đáng chú ý nhất trong “cuộc cách mạng” lần này là Chính phủ kiên quyết xóa bỏ rào cản, loại trừ các quy định pháp luật không rõ ràng, không minh bạch, có biểu hiện lợi ích nhóm, cản trở sự phát triển, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được quy định tại các thông tư do cấp Bộ ban hành. “Song, không chỉ dừng lại ở cấp độ rà soát các điều kiện kinh doanh ban hành trái thẩm quyền, Chính phủ sẽ tiếp tục định kỳ rà soát, sửa đổi các quy định nhằm nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh” – vị chuyên gia này thông tin.

Về lâu dài, để tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất, đón sóng đầu tư phát triển, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì soạn thảo một luật sửa đổi nhiều luật chuyên ngành thực hiện mục tiêu này.

Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp

Cùng với việc hoàn thiện Dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh, Chính phủ cũng chỉ đạo cần chỉnh lý Dự thảo Nghị định quy định về điều kiện, thủ tục thành lập cửa hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan theo hướng giảm diện tích kho bãi cho phù hợp với thực tế.
Nhấn mạnh thông điệp Chính phủ kiến tạo với trọng tâm gỡ bỏ rào cản đầu tư kinh doanh, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 6 vừa được Chính phủ công bố, Chính phủ yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo các nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành để có hiệu lực từ ngày 1/7/2016. Chính phủ lưu ý, Dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh không được đưa ra những quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương khẳng định, những quy định cứng nhắc, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ hạn chế cơ hội phát triển và khả năng sáng tạo của doanh nghiệp.

Cùng với việc hoàn thiện Dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh, Chính phủ cũng chỉ đạo cần chỉnh lý Dự thảo Nghị định quy định về điều kiện, thủ tục thành lập cửa hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan theo hướng giảm diện tích kho bãi cho phù hợp với thực tế.

Bên cạnh đó, một số dự thảo nghị định khác như: Dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo; Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì soạn thảo… cũng được yêu cầu chỉnh lý theo hướng giảm điều kiện, giảm thời gian để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, phát triển sản xuất.

Chuyên đề