Rà soát các điều kiện kinh doanh là một phần yêu cầu của Luật Đầu tư, cần phải hoàn thành đúng thời hạn. Ảnh: Lê Tiên |
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Ban thư ký Tổ công tác Thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu xung quanh câu chuyện này.
Thời gian để các bộ rà soát các ĐKKD không ngắn, song dường như khối lượng công việc lại chỉ dồn vào 2 tháng gần đây. Tiến độ gấp gáp như vậy liệu có ảnh hưởng đến chất lượng các nghị định được ban hành không, thưa ông?
Với cách làm mới của Chính phủ là vừa quyết liệt, vừa sát sao như thời gian qua, tôi tin rằng chất lượng các văn bản pháp luật, cụ thể là các nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sẽ không bị ảnh hưởng.
Nếu như trước đây, trong quá trình thông qua nghị định, cộng đồng DN không có điều kiện góp ý trực tiếp đối với các cơ quan thẩm tra mà chỉ đơn thuần là góp ý, giải trình bằng văn bản thì lần này Chính phủ đã chọn cách làm mới. Đó là dành thời gian lắng nghe, đối thoại với cộng đồng DN thông qua những phiên họp kỹ thuật với các bộ, ngành cùng đại diện của cơ quan phản biện chính sách độc lập trước khi xem xét thông qua.
Tại các cuộc họp này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có bản báo cáo dài hơn 200 trang với hàng trăm kiến nghị đã được Chính phủ và các bộ, ngành tiếp thu. Đây là cách làm mới chưa có tiền lệ, góp phần tăng thêm niềm tin cho cho cộng đồng DN cũng như của xã hội vào một Chính phủ kiến tạo.
Hiện vẫn có tranh luận là còn có ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành với cộng đồng DN và cơ quan phản biện chính sách độc lập về cách thức và phương thức quản lý nhà nước đối với hoạt động của DN. Theo đó, cộng đồng DN cho rằng, hiện có một số ĐKKD không cần thiết, không hợp lý, cần sửa đổi/bãi bỏ, tuy nhiên các bộ, ngành lại có xu hướng muốn giữ lại.
Theo kiến nghị của cơ quan phản biện chính sách và cộng đồng DN, phương thức quản lý nhà nước mới là cơ quan quản lý nhà nước phải thay đổi cách thức quản lý còn nặng về tiền kiểm, đưa ra những quy định về ĐKKD một cách cứng nhắc sang hậu kiểm. Ở phương thức này, DN tự khai báo năng lực sản xuất với tình trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, nhân công... ; cơ quan quản lý thực hiện công bố thông tin công khai và giám sát; người tiêu dùng sẽ căn cứ vào những thông tin này để tự đánh giá DN. Đây là giải pháp để cơ quan nhà nước đạt được mục tiêu quản lý DN hiệu quả, mà không gây tốn kém cho DN, không tạo rào cản gia nhập thị trường, cạnh tranh hay hạn chế sự sáng tạo và khởi nghiệp của DN. Tuy không dễ để thay đổi sang phương thức mới này, nhưng chúng ta không thể chần chừ hơn được nữa, bởi về lâu dài sẽ gây bất lợi nặng nề trong việc nâng cao sức cạnh tranh quốc tế của DN Việt Nam.
Kỳ vọng sự thay đổi lớn như vậy trong thời gian gấp gáp có lẽ khó có thể xoay chuyển được cách thức quản lý “truyền thống” vốn đã tồn tại từ lâu, thưa ông?
Đúng là cần có thời gian để tạo sự thay đổi lớn về tư duy quản lý của cơ quan quản lý nhà nước. Trong khoảng thời gian hạn hẹp, các dự thảo đưa ra lấy ý kiến gấp gáp, các ý kiến góp ý của VCCI, CIEM được thực hiện trong thời gian ngắn nên việc tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành với các kiến nghị sẽ chưa thể đầy đủ được.
Câu chuyện nâng cấp các ĐKKD trước 1/7 là một phần yêu cầu của Luật Đầu tư trong việc rà soát các ĐKKD nhằm nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh. Công việc này cần phải hoàn thành đúng thời hạn. Việc đang làm chỉ giới hạn là ĐKKD được ban hành trái thẩm quyền, còn chưa tính tới những ĐKKD đã được ban hành đúng thẩm quyền. Chính vì vậy, từ nay đến cuối năm, Chính phủ vẫn cần tiếp tục công việc rà soát các ĐKKD ở phạm vi, nội dung rộng hơn, tính chất quyết liệt như thời gian vừa qua.
Sau khi rà soát, đến nay, các cơ quan chức năng đã kiến nghị bãi bỏ bao nhiêu ĐKKD bị coi là không còn phù hợp kể từ ngày 1/7?
Đến thời điểm này chưa có con số thống kê chính xác tổng số ĐKKD đã được bộ, ngành rà soát và bao nhiêu ĐKKD được kiến nghị loại bỏ. Số liệu tổng hợp cuối cùng có thể sẽ có vào tuần đầu tiên của tháng 7.