Kết quả triển khai Chương trình phục hồi còn khiêm tốn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặc dù Chính phủ đã quyết liệu triển khai, song kết quả triển khai Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội vẫn còn khiêm tốn.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 (ảnh: QH)
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 (ảnh: QH)

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh thông tin này khi trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 trước Quốc hội hôm nay (20/10).

Theo Báo cáo, đến cuối tháng 8/2022, vẫn còn 2 trên tổng số 17 văn bản để cụ thể hóa chính sách theo yêu cầu của Nghị quyết 11/NQ-CP chưa được ban hành. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ vẫn còn một số điều kiện bất cập dẫn tới doanh nghiệp khó tiếp cận và thụ hưởng; các thủ tục hành chính còn phức tạp, các điều kiện để được hưởng chính sách chưa rõ ràng, làm giảm hiệu quả của chính sách.

Tỷ lệ giải ngân các chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn khá thấp, tính đến ngày 28/9/2022 mới đạt 20% tổng số vốn của Chương trình.

Giải ngân gói đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, điều hòa vốn dành cho các dự án thuộc Chương trình và Kế hoạch đầu tư công trung hạn triển khai chậm. “Tới cuối tháng 8/2022, tại Phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; điều chỉnh, bổ sung vốn ngân sách trung ương kế hoạch năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương”, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, gói hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại có tỷ lệ giải ngân rất thấp (tính đến hết tháng 8/2022 mới chỉ đạt khoảng 13,5 tỷ đồng/gần 16.035 tỷ đồng phân bổ cho năm 2022 trong tổng số 40 nghìn tỷ đồng gói hỗ trợ lãi suất), cần phải được báo cáo rõ nguyên nhân.

“Đề nghị đánh giá cụ thể hơn kết quả, tình hình triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội theo từng chính sách cụ thể, trong đó bao gồm cả việc sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ; mục tiêu phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên khó thực hiện, lãi suất không giảm mà có xu hướng tăng”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh yêu cầu.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị, đối với các hạn chế, vướng mắc cần làm rõ hơn nguyên nhân và đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới, bảo đảm phù hợp với bối cảnh của tình hình hiện nay. Theo ông Thanh, có ý kiến cho rằng bối cảnh hiện nay đã có nhiều điểm khác so với thời điểm xây dựng và ban hành Nghị quyết số 43, điều này cho thấy Chính phủ cần xem xét điều chỉnh, hoàn thiện một số chính sách trong quá trình thực thi, bảo đảm tính hợp lý, cân đối đa chiều giữa kinh tế, xã hội và môi trường, giữa ngắn hạn và dài hạn.

Về tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cũng cho hay, kinh tế phục hồi song cộng đồng doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, công nghiệp hỗ trợ, mức độ liên kết doanh nghiệp nội ngành, liên ngành và liên kết giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI còn hạn chế.

Trong 9 tháng năm 2022, bình quân mỗi tháng có 12,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cao hơn bình quân của năm 2020 (8,5 nghìn doanh nghiệp/tháng) và năm 2021 (gần 10 nghìn doanh nghiệp/tháng). Doanh nghiệp đang đối mặt với khó khăn về tài chính như thiếu vốn lưu động; chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao; số lượng và lợi nhuận của đơn hàng xuất khẩu sụt giảm do sự thắt chặt chi tiêu của người dân ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu. Các doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, tiếp cận nguồn vốn và chưa ưu tiên cho các hoạt động đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, cải thiện năng lực cạnh tranh.

Năng lực sản xuất công nghiệp chậm được cải thiện, nhất là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt, dẫn đến tình trạng nhập khẩu lớn máy móc thiết bị, phụ tùng và nguyên vật liệu cho sản xuất các ngành công nghiệp trong nước. Phát triển công nghiệp phụ trợ, mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành còn hạn chế; liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI còn yếu, chưa thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành. Chưa có sự tham gia mạnh của các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Đề nghị phân tích, làm rõ nguyên nhân và đề xuất, giải pháp cụ thể”, Lãnh đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh.

Chuyên đề