Kè chống sạt lở: Giám sát chặt nhà thầu thi công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có hơn 265 điểm sạt lở nghiêm trọng, trung bình mỗi năm mất hơn 500 ha vùng cửa sông, cửa biển và ven sông. Mỗi năm, ngân sách nhà nước chi hàng ngàn tỷ đồng để xử lý các điểm sạt lở này. Tuy nhiên, việc thi công các công trình kè chống sạt lở còn để xảy ra nhiều sự cố, tồn tại những bất cập cần xử lý triệt để nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư.
Thời gian qua, Chính phủ đã dành ưu tiên từ nhiều nguồn kinh phí ngân sách trung ương để khắc phục các điểm sạt lở, di dời các hộ dân trong vùng sạt lở. Ảnh: An Long
Thời gian qua, Chính phủ đã dành ưu tiên từ nhiều nguồn kinh phí ngân sách trung ương để khắc phục các điểm sạt lở, di dời các hộ dân trong vùng sạt lở. Ảnh: An Long

Hàng chục ngàn tỷ đồng chống sạt lở

Trước tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng tại ĐBSCL, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, Chính phủ đã dành ưu tiên từ nhiều nguồn kinh phí ngân sách trung ương để khắc phục; xây dựng cụm, tuyến dân cư di dời các hộ dân trong vùng sạt lở, sớm ổn định cuộc sống.

Cụ thể, đã xây dựng 863 cụm, tuyến dân cư vượt lũ và 119 bờ bao khu dân cư, bảo đảm an toàn cho 191.000 hộ với gần 1 triệu người dân. Đồng thời, hỗ trợ các địa phương kinh phí từ ngân sách trung ương, nguồn vốn vay thông qua các dự án ODA để xây dựng công trình phòng chống sạt lở. Từ năm 2010 đến năm 2020 đã bố trí từ nguồn vốn đầu tư công 8.707 tỷ đồng cho các tỉnh ĐBSCL triển khai 169 công trình.

Hàng năm, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu và địa phương khó khăn về ngân sách để đầu tư các dự án đê kè, chống sạt lở, các dự án di dân khẩn cấp do sạt lở bờ sông, bờ biển… với tổng vốn đầu tư giai đoạn 2016 - 2019 là 15.639,194 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định bổ sung 2.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng cho 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL để xử lý các điểm sạt lở bờ sông, bờ biển. Ngày 29/7/2019, Thủ tướng Chính phủ đã thị sát về sạt lở tại ĐBSCL, chỉ đạo các bộ, ngành tham mưu Chính phủ kiến nghị Quốc hội bố trí đủ vốn khoảng 3.000 tỷ đồng để hỗ trợ ĐBSCL xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở trong 2 năm 2019 - 2020…

Tránh đầu tư lãng phí, kém hiệu quả

Dù kinh phí đầu tư cho các công trình chống sạt lở là rất lớn, nhưng hiệu quả lâu dài của các công trình này trong nhiều trường hợp vẫn khiến dư luận băn khoăn.

Sự cố sạt lở ở Quốc lộ 91, đoạn qua xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) trong tháng 3/2020 và cách xử lý của địa phương là một điển hình. Tỉnh An Giang đã giao Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Mỹ Luông thả 24.423 m3 cát xuống sông sau khi triển khai trải vải địa kỹ thuật, thảm đá dưới sông. Cũng trong tháng 3/2020, TP. Cần Thơ chỉ đạo xử lý sạt lở gần chợ nổi Cái Răng, quận Ninh Kiều bằng cách chở sà lan cát đến khu vực sạt lở, thuê nhân công dồn cát vào bao để ném xuống sông… Đây chỉ là cách xử lý vá víu, tạm thời, nhưng kinh phí lên tới hàng chục tỷ đồng.

Các dự án xử lý sạt lở bờ sông, hay kè biển hiện được các tỉnh triển khai theo tình huống cấp bách, khẩn cấp. Do đó, việc lựa chọn nhà thầu đều thông qua chỉ định thầu. Điều đáng nói, trong các lĩnh vực thi công xây lắp hiện nay, kè chống sạt lở là lĩnh vực để xảy ra nhiều sự cố nhất. Ngoài tính chất đặc biệt, phức tạp của việc thi công công trình dưới nước, năng lực, trình độ của đội ngũ nhà thầu được chỉ định cũng cần được lưu ý, chấn chỉnh.

Có thể kể đến công trình kè chống sạt lở cồn Phú Đa (tỉnh Bến Tre) được khởi công xây dựng vào tháng 11/2019 với kinh phí hơn 43 tỷ đồng. Do có sự cố trong quá trình thi công, kinh phí khắc phục phát sinh gần 5 tỷ đồng. Công trình kè chống xói lở bờ sông Tiền dài 850m bị sạt lở khiến UBND tỉnh Đồng Tháp 2 lần công bố tình trạng khẩn cấp, đầu tư kinh phí gần 109 tỷ đồng và chỉ định thầu cho Công ty CP Nhân Bình (địa chỉ tại Hà Nội) thi công khắc phục. Ngày 4/4/2021, một đoạn chân kè dài 60m bị trượt ra sông, toàn bộ thảm đá, vải địa kỹ thuật và bao tải bị tuột. Kinh phí phát sinh để khắc phục sự cố lên tới 7,5 tỷ đồng. Sự cố sạt lở do năng lực nhà thầu còn xuất hiện ở TP.HCM, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa với thiệt hại rất lớn.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một số chủ đầu tư lý giải nguyên nhân xảy ra sự cố khi thi công là do điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn - hình thái đoạn sông khu vực bờ kè phức tạp. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư cũng thẳng thắn nhìn nhận sai sót của các đơn vị thiết kế, giám sát, thi công, quản lý công trình. Do đó, cần lựa chọn nhà thầu đủ năng lực và giám sát chặt việc thi công gói thầu kè chống sạt lở, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư.

Chuyên đề