Công ty CP Xuất nhập khẩu Vĩnh Long đang quản lý quỹ đất tương đối lớn, giấy tờ đầy đủ, hợp pháp, không tranh chấp. Ảnh: Vĩnh Long |
Việc thoái vốn nhà nước do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nắm giữ từ lâu đã là một “mệnh lệnh” từ Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh những cổ phiếu hot như Vinamilk, FPT, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh..., thì không ít công ty, phải vất vả lắm SCIC mới có thể thoái vốn thành công. Tình hình kinh doanh, khả năng sinh lợi của công ty thông thường sẽ quyết định mức độ hấp dẫn của cổ phiếu.
Tại cuộc đấu giá CP của ICL, 1 tổ chức đã đứng ra gom toàn bộ số lượng CP nói trên, tương đương 53,46% vốn điều lệ của ICL. Với giá khởi điểm chỉ 1.300 đồng/CP (mệnh giá 10.000 đồng/CP), nhà đầu tư tổ chức đã trúng giá ở mức 1.400 đồng/CP, chỉ cao hơn 1 bước giá so với mức giá khởi điểm. Số tiền bỏ ra 7,4 tỷ đồng để sở hữu chi phối cổ phần của ICL.
Ít điểm sáng
Với 7,4 tỷ đồng bỏ ra, nhà đầu tư có thể nắm giữ tương đương 53 tỷ đồng vốn điều lệ của ICL. Căn cứ mức giá khởi điểm cực kỳ thấp nói trên, có thể dự đoán phần nào tình hình kinh doanh không khả quan của ICL.
3 năm trở lại đây (từ 2013 - 2015), ICL liên tục báo lỗ. Từ mức lỗ 61 tỷ đồng năm 2013, ICL đã “mạnh dạn” lỗ sâu, vượt quá vốn điều lệ từ năm 2014 (162 tỷ đồng và 130 tỷ đồng cho 2 năm 2014 và 2015). Không ngừng thua lỗ, đến cuối năm 2014, ICL chính thức bị âm vốn chủ sở hữu gần 74 tỷ đồng, và con số tăng lên mức âm 203 tỷ đồng vào cuối năm 2015. Quý I/2016, ICL lỗ tiếp 10,5 tỷ đồng.
Tổng tài sản cuối năm 2015 của ICL đạt 254 tỷ đồng, trong khi có tới 365 tỷ đồng từ vay nợ ngắn hạn. Điều này đặt Công ty trước áp lực trả nợ khá căng thẳng. Kiểm toán Báo cáo tài chính 2015 của ICL nhận định, khả năng hoạt động liên tục của Công ty phụ thuộc vào các hoạt động có lãi trong tương lai và việc tiếp tục tài trợ của các chủ đầu tư.
Hoạt động kinh doanh của ICL chưa có dấu hiệu sáng lên, khi tình hình xuất khẩu gạo Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua với rất nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Ngoài ra, việc thua lỗ trong 3 năm liên tiếp khiến Công ty gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, dẫn đến kinh doanh bị đình trệ, hoạt động cầm chừng.
Với những phân tích nói trên, điều người ta ngạc nhiên không phải mức giá rẻ 1.300 đồng/CP được đưa ra, mà là… vẫn có nhà đầu tư đặt mua CP ImexCuulong.
ImexCuulong có gì?
Một điểm đáng chú ý của ICL là tình hình trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi tăng mạnh mỗi năm. Đến cuối năm 2015, Công ty gần như đã dự phòng toàn bộ các khoản phải thu ngắn hạn, số dư trích lập dự phòng lên tới 230 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ ở mức gần 99 tỷ đồng. Phần lớn các khoản phải thu khó đòi của ICL là số tiền đã ứng trước để mua hàng, đã quá hạn trên 3 năm. Nếu thúc đẩy thu hồi các khoản mục nói trên, tình hình tài chính của ICL sẽ cải thiện đáng kể.
Ngoài ra, là một doanh nghiệp nhà nước, ICL có một quỹ đất tương đối lớn, có thể là đích đến của nhà đầu tư. Tổng cộng, ImexCuulong đang sử dụng và quản lý trên 96.500 m2 đất tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó, nhiều khu đất đã được chính thức giao cho Công ty sử dụng. Không phải là các mảnh “đất vàng” ở các khu đô thị lớn, nhưng diện tích đất khổng lồ, giấy tờ đầy đủ, hợp pháp, không tranh chấp của ICL vẫn là niềm mơ ước của nhiều doanh nghiệp. Đó có lẽ là điểm sáng rõ rệt nhất tại doanh nghiệp này.
Đầu tư vào ICL, trong tình hình thị trường xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn, ngay cả đối tác mạnh về tài chính cũng khó có thể vực dậy Công ty. Mua tài sản với giá rẻ, có thể là động lực mạnh nhất của 7 tổ chức, cá nhân tham gia phiên đấu giá tưởng như tẻ nhạt này.