Ì ạch điện rác

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước không thiếu nhà đầu tư tiên phong, mạnh dạn đầu tư vốn, công nghệ để xây dựng nhà máy điện rác quy mô, công suất lớn. Tuy nhiên, dù nằm trong danh mục kêu gọi đầu tư, các dự án điện rác vẫn bộn bề khó khăn do rất nhiều thủ tục cả đầu vào lẫn đầu ra cho… rác.
Áp lực xử lý rác thải ngày càng tăng, trong khi các dự án đốt rác phát điện đang chậm tiến độ. Ảnh: Nhất Linh
Áp lực xử lý rác thải ngày càng tăng, trong khi các dự án đốt rác phát điện đang chậm tiến độ. Ảnh: Nhất Linh

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện trên địa bàn Thủ đô mỗi ngày phát sinh từ 6.500 - 7.000 tấn rác thải, được xử lý chủ yếu tại hai khu xử lý rác Nam Sơn (5.000 - 5.500 tấn/ngày, đêm) và Xuân Sơn (1.500 tấn/ngày, đêm).

TP. Hà Nội hiện là địa phương tập trung nhiều dự án đốt rác phát điện nhất cả nước. Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hàng loạt dự án đang được triển khai đầu tư như: Nhà máy Điện rác Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, 4.000 tấn/ngày, đêm), Nhà máy Điện rác Seraphin (thị xã Sơn Tây, 1.500 tấn/ngày, đêm), Nhà máy Xử lý chất thải Đồng Ké (huyện Chương Mỹ, 1.500 tấn/ngày, đêm) và Nhà máy Xử lý rác thải Núi Thoong (huyện Chương Mỹ, 450 tấn/ngày, đêm)…

Nhiều dự án nhưng không có nghĩa là sớm giải tỏa được áp lực rác thải. Các dự án đốt rác phát điện của Hà Nội bộn bề cam go, đến mức trở thành câu chuyện nóng trên diễn đàn của Hội đồng nhân dân Thành phố. Nhiều dự án như: Nhà máy Xử lý rác thải Núi Thoong, Nhà máy Xử lý rác thải Châu Can (huyện Phú Xuyên), Nhà máy Điện rác Sóc Sơn… đều đang chậm tiến độ. Theo UBND TP. Hà Nội, lý do chậm trễ là thay đổi quy mô, công suất đầu tư, năng lực nhà đầu tư yếu kém, công tác xây dựng bị động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá nguyên vật liệu tăng cao, chậm bàn giao mặt bằng.

Theo Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường, với hầu hết các dự án đốt rác phát điện được triển khai, doanh nghiệp thiếu từ định hướng đến chính sách hỗ trợ, phân chia rủi ro. Đặc biệt, quy hoạch phát điện là nguyên nhân cốt lõi khiến nhiều nhà đầu tư dự án đốt rác phát điện bỏ cuộc, chán nản do quy định hiện nay ràng buộc 1 MW phát điện phải đăng ký bổ sung quy hoạch mới được đấu nối.

Tại TP.HCM, lượng rác phát sinh mỗi ngày gần 10.000 tấn, dự báo đến năm 2025 sẽ tăng lên 12.500 tấn/ngày. Áp lực xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải chưa phân loại của Thành phố ngày càng tăng, trong khi các dự án nhà máy xử lý rác đang chậm tiến độ. Cụ thể, có 3 dự án đồng loạt khởi công trong năm 2019 là Nhà máy Tích hợp xử lý chất thải rắn Vietstar của Công ty CP Vietstar, Nhà máy xử lý, đốt rác của Công ty CP Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa (nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi) và Nhà máy đốt rác phát điện của Công ty CP Môi trường Tasco. Theo đánh giá của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng, số lượng nhà máy xử lý rác thải được đầu tư quá ít, chưa đáp ứng nhu cầu. Đặc biệt, các dự án đều chậm tiến độ, chưa thể vận hành do nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan.

Thông tin đến Báo Đấu thầu, Công ty CP Vietstar cho biết, Công ty đã hoàn thiện lắp đặt và vận hành 3 dây chuyền phân loại rác, xây dựng hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu lưu thông cho phương tiện ra vào Nhà máy đốt rác phát điện tại TP.HCM. Nhà đầu tư cũng đã tổ chức san lấp mặt bằng 45.000 m2, đồng thời ký hợp đồng và trả tiền đặt cọc cho các thiết bị chính yếu nhập từ nước ngoài với mức kinh phí đắt đỏ. “Tuy nhiên, thời hạn hoàn thành Dự án là năm 2020, tức hơn 2 năm đã qua nhưng Dự án chưa thể về đích do Quy hoạch điện VIII chưa được phê duyệt, thủ tục cấp phép xây dựng chưa hoàn tất, chưa có cơ sở pháp lý để vận hành Dự án”, đại diện Nhà đầu tư than thở.

Trong khi đó, tại Hậu Giang, Dự án Nhà máy Điện rác tỉnh Hậu Giang do Công ty TNHH MTV Greenity Hậu Giang đầu tư với tổng vốn 1.320 tỷ đồng, diện tích xây dựng trên 23 ha, công suất xử lý rác khoảng 300 tấn/ngày và phát điện tối đa 12 MW lại gặp khó khăn khác. Theo chia sẻ của Nhà đầu tư, Công ty phải kêu khó với địa phương do nguồn rác đầu vào hiện không đảm bảo nhu cầu vận hành Nhà máy. Đồng thời, chi phí nguyên liệu tăng đột biến trong 2 năm qua khiến tổng mức đầu tư Dự án tăng rất nhiều so với dự toán. Thậm chí, nhà đầu tư này phải đề xuất tỉnh Hậu Giang hỗ trợ tìm kiếm các hợp đồng xử lý rác công nghiệp nhằm bù đắp lượng rác thiếu hụt. “Đây là vấn đề rất phức tạp, liên quan đến nhiều sở, ngành và cần nhiều thời gian để xử lý”, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang cho biết.

Ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí do chôn lấp rác không đúng tiêu chuẩn, rác không được xử lý, không vào được nhà máy đốt rác phát điện đang khiến nhiều đô thị, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội đối diện với nguy cơ khủng hoảng môi trường. Tuy nhiên, theo Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường, với hầu hết các dự án đốt rác phát điện được triển khai, doanh nghiệp thiếu từ định hướng đến chính sách hỗ trợ, phân chia rủi ro. Đặc biệt, quy hoạch phát điện là nguyên nhân cốt lõi khiến nhiều nhà đầu tư dự án đốt rác phát điện bỏ cuộc, chán nản do quy định hiện nay ràng buộc 1 MW phát điện phải đăng ký bổ sung quy hoạch mới được đấu nối.

“Tư nhân rất sẵn sàng và chủ động bỏ vốn, công sức để xây dựng những dự án đốt rác phát điện hiệu quả vì một nền kinh tế, năng lượng bền vững. Tuy nhiên, các dự án này đang vướng quá nhiều từ quy hoạch, cơ chế thu hút đầu tư, quan điểm chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư của từng địa phương. Do đó, sau nhiều năm, khối lượng rác thải vẫn chỉ được giao cho các công ty môi trường đô thị xử lý thông qua đặt hàng. Điều này tạo nên môi trường đầu tư kinh doanh chưa hiệu quả”, đại diện Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết.

Trước thực trạng này, các nhà đầu tư kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật, các quy trình, thủ tục còn vướng mắc về quản lý đầu tư xây dựng trong lĩnh vực quản lý chất thải sinh hoạt đô thị, đồng thời cụ thể hóa chính sách ưu đãi đầu tư... nhằm hỗ trợ thúc đẩy loại hình điện rác phát triển đúng với tâm huyết của nhà đầu tư.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận định, dự án đốt rác phát điện sử dụng công nghệ tiên tiến có chi phí đầu tư rất lớn, tuổi đời dự án dài, rủi ro từ phía nhà đầu tư cao. “Cần coi trọng khâu xây dựng hợp đồng dự án đốt rác phát điện để đảm bảo quyền lợi, rủi ro được phân đều cho cả chính quyền lẫn nhà đầu tư. Cần gạt bỏ tư tưởng của một số địa phương, khi chưa có nhà đầu tư quan tâm, rác chỉ là rác, là gánh nặng cần xử lý. Nhưng khi có nhà đầu tư đề xuất dự án, rác trở thành món sinh lời cao để có thể làm khó dễ nỗ lực của nhà đầu tư”, bà Lê nhận định.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư