Huy động vốn đầu tư dự án đường thủy: Cần chính sách đặc thù

(BĐT) - Việt Nam hiện có 42.000 km sông, kênh có khả năng khai thác vận tải, trong đó mới đưa vào tổ chức quản lý được trên 19.000 km, đạt 45%. Với nhu cầu vốn lớn, hàng chục dự án giao thông đường thủy đến nay vẫn chưa được triển khai.
32 dự án về cảng, bến thủy nội địa hiện chưa có nhà đầu tư quan tâm. Ảnh: Lê Tiên
32 dự án về cảng, bến thủy nội địa hiện chưa có nhà đầu tư quan tâm. Ảnh: Lê Tiên

Báo Đấu thầu đã phỏng vấn ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) về các giải pháp thu hút vốn ngoài ngân sách cho các dự án này.

Xin ông cho biết sự cấp thiết đầu tư các dự án đường thủy trọng điểm?

Để san sẻ bớt gánh nặng với vận tải đường bộ, cần thiết phải đầu tư các dự án đường thủy trọng điểm. Mục tiêu của vận tải đường thủy là phấn đấu đến năm 2020, sản lượng hàng hóa đường thủy nội địa liên tỉnh đạt 356 triệu tấn/năm, thị phần vận tải chiếm hơn 32,3%; vận tải hành khách liên tỉnh đạt khoảng 0,17% khối lượng vận tải toàn ngành, trong đó từ năm 2015 - 2018 đạt 0,15% và từ năm 2018 - 2020 đạt 0,17%; đồng thời sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và giảm chi phí vận tải…

Bên cạnh đó, mục tiêu đến năm 2020 tổng trọng tải đội tàu hàng là 20 - 22 triệu tấn và tàu chở khách là 780 nghìn ghế; tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa trên tuyến vận tải sông pha biển sẽ đảm nhận 17,1 triệu tấn, quy mô đội tàu pha sông biển khoảng 855.000 tấn. Đến năm 2020 có khoảng 160 cảng hàng hóa đưa vào khai thác, sản lượng hàng hóa đạt khoảng 92 triệu tấn; có trên 30 cảng hành khách đưa vào hoạt động, đạt trên 30 triệu lượt khách/năm. 

Để đạt được những mục tiêu nêu trên thì việc phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy đồng bộ là yêu cầu tất yếu. 

Huy động vốn đầu tư dự án đường thủy: Cần chính sách đặc thù ảnh 1
Ông Hoàng Hồng Giang
Hiện ngân sách nhà nước phân bổ đầu tư các dự án giao thông đường thủy như thế nào, thưa ông?

Nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa từ ngân sách nhà nước hiện rất thấp, khoảng 1% đầu tư của ngân sách cho toàn ngành. Tổng số km được đầu tư cải tạo, nâng cấp giai đoạn từ năm 2002 đến nay khoảng 2.000km trên tổng số 6.658,1 km quản lý (đạt 30%). Trong đó bao gồm: 5 dự án nguồn vốn NSNN; 3 dự án nguồn vốn ODA. Các dự án lĩnh vực đường thủy nội địa được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá cao vì tính lan toả xã hội, suất đầu tư thấp, đa mục tiêu… và đặc biệt là sự hưởng lợi của các vùng dân cư nghèo, có điều kiện kinh tế khó khăn, trong đó có khu vực đồng bằng sông Cửu Long và khu vực đồng bằng sông Hồng. 

Xã hội hóa nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông được triển khai rất mạnh thời gian qua. Xin ông cho biết thu hút đầu tư vào dự án đường thủy có những thuận lợi và khó khăn như thế nào?

Những thuận lợi trong thu hút đầu tư vào các dự án đường thủy nội địa được xét trên các góc độ khác nhau, từ chủ trương chính sách, tình hình chung của nền kinh tế. Một là vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi với cơ hội để phát triển đường thủy nội địa. Hai là hệ thống các chiến lược, quy hoạch, luật và văn bản quy phạm pháp luật cơ bản đầy đủ. Ba là chủ trương, chính sách định hướng phát triển hợp lý các phương thức vận tải, tái cơ cấu vận tải toàn ngành tạo cơ hội cho vận tải thủy phát triển. Bốn là cơ hội tiếp cận các nguồn vốn đầu tư.

Ngoài những thuận lợi nêu trên, việc thu hút nguồn vốn xã hội hóa còn nhiều khó khăn do đặc thù của ngành nên chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Hiện tại nhà đầu tư chỉ quan tâm đến các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp luồng tuyến, cửa sông (6/13 dự án); còn các dự án về cảng, bến thủy nội địa (32 dự án) chưa có nhà đầu tư quan tâm. Đối với các dự án xã hội hóa theo hình thức tận thu: đã chấp thuận được 60 dự án, tuy nhiên chỉ có 20 dự án đã hoàn thành thủ tục để triển khai thực hiện. 

Cần có giải pháp gì để thu hút nguồn vốn xã hội hóa vào dự án giao thông đường thủy, thưa ông?

Tôi cho rằng cần thiết phải có cơ chế, chính sách đặc thù đa dạng hoá hình thức xã hội hoá (áp dụng BT, đổi đất bãi ven sông lấy hạ tầng luồng tàu, cảng thuỷ nội địa, v.v…) cho các dự án trọng điểm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa. Ngoài ra, các bộ, ban ngành liên quan, UBND cấp tỉnh cần có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để triển khai Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải thủy nội địa.

Theo Quyết định số 4835/QĐ-BGTVT ngày 22/12/2014 của Bộ GTVT phê duyệt Đề án huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng lĩnh vực đường thủy nội địa, có 45 dự án cần huy động vốn xã hội hóa, trong đó bao gồm: 32 dự án cảng, bến thủy nội địa; 9 dự án luồng tuyến vận tải thủy; 4 dự án cửa sông pha biển. Theo Bộ GTVT, hiện đã hoàn thành kêu gọi nhà đầu tư được 1 dự án với tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng (Dự án “Cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi đến cảng Bến Súc" theo hình thức hợp đồng BOT, trong tháng 3/2016 sẽ bắt đầu thi công Gói thầu số 3). Có 7/9 dự án đã được Bộ GTVT giao lập đề xuất dự án làm cơ sở kêu gọi nhà đầu tư.

Chuyên đề