Chi phí gia tăng cho việc xây dựng công trình xanh trung bình chỉ từ 1,8% - 2%. Ảnh: LTT |
Chủ đầu tư có nên mạo hiểm?
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy, xây dựng công trình theo hướng công trình xanh, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường ngày càng phổ biến và trở thành xu thế trên thế giới. Hầu hết tại các nước phát triển, Chính phủ đều đã yêu cầu áp dụng các quy định kỹ thuật xây dựng công trình xanh, tiết kiệm năng lượng khi đầu tư xây dựng công trình. Tại Việt Nam, xây dựng công trình xanh được khởi xướng từ năm 2007, cho đến nay đã có khoảng trên 60 công trình xây dựng được chứng nhận là công trình xanh bởi các tổ chức uy tín trong và ngoài nước, tuy nhiên, số lượng này chủ yếu ở phân khúc bất động sản thương mại cao cấp.
Đến nay, một số dự án chung cư phân khúc giá thấp và trung bình mới bắt đầu ứng dụng các giải pháp công trình xanh, ví dụ như trường hợp của Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ đô (Capital House) với dự án nhà ở xã hội Ecohome.
Ông Trần Như Trung, Phó Tổng giám đốc Capital House cho biết, kết quả thực tế từ những dự án do Capital House là chủ đầu tư cho thấy, việc đầu tư các giải pháp công trình xanh có thể làm tăng chi phí đầu tư ban đầu. Cụ thể, các dự án Ecohome 1, Ecohome 2 và Ecolife Capitol với việc dùng các giải pháp xanh như dùng đèn led thắp sáng công cộng thay cho bóng đèn thường, cây xanh, gạch không nung, chi phí phát sinh thêm ở mỗi dự án lần lượt là 11,6 tỷ đồng (2% tổng mức đầu tư dự án), 19,5 tỷ đồng (2,3% tổng mức đầu tư) và 108 tỷ đồng (5% tổng mức đầu tư).
Theo ông Trung, lợi nhuận công trình nhà ở thu nhập thấp ít, nên chủ đầu tư thường không mạo hiểm đầu tư công trình xanh do tăng chi phí đầu tư. Tuy nhiên, ông Trung khẳng định, dù tăng chi phí ban đầu nhưng lợi ích chủ đầu tư thu lại và cư dân được hưởng là lớn hơn.
Bà Vũ Thị Kim Thoa, Trưởng đoàn tư vấn của Chương trình Năng lượng sạch USAID Việt Nam cũng cho biết, theo một số kết quả nghiên cứu, chi phí gia tăng cho việc xây dựng công trình xanh trên thực tế chỉ dao động từ 1% đến 5%; tại Việt Nam, qua khảo sát chi phí gia tăng trung bình là 1,8% đến 2%. Chi phí bỏ ra không quá lớn này, có thể tiết kiệm 50% tiêu thụ năng lượng so với thiết kế ban đầu, giảm chi phí vận hành (thường chiếm hơn 80% chi phí đầu tư) và giúp gia tăng giá trị tài sản. Công trình xanh sẽ hấp dẫn khách hàng hơn, đẩy nhanh khả năng tiêu thụ và chủ đầu tư nhanh chóng hoàn vốn.
Khó nhưng không phải bất khả thi
Từ góc nhìn của một nhà đầu tư bất động sản, ông Trần Như Trung cho rằng, chủ đầu tư nhà ở thu nhập thấp rõ ràng có nhiều rủi ro hơn khi đầu tư công trình xanh, vì vậy cần có những chính sách khuyến khích như giảm thuế. Đồng thời, cần có những đánh giá, chứng nhận, ghi nhận để doanh nghiệp hướng đến công trình xanh.
Bà Vũ Thị Kim Thoa thì cho rằng, đầu tư công trình xanh cho nhà ở thu nhập thấp khó nhưng không phải là bất khả thi. Quan trọng là cần có sự phối hợp giữa chính quyền đô thị, Sở Xây dựng địa phương, Bộ Xây dựng. Theo đó, chính quyền đô thị nên có sáng kiến tổ chức thi thiết kế ý tưởng kiến trúc công trình xanh đối với tất cả các công trình công, các khu đô thị xây mới và cải tạo; có chính sách ưu đãi đầu tư với các chủ đầu tư tư nhân có quyết định đầu tư công trình xanh. Sở Xây dựng cần có quy trình thẩm định thiết kế công trình xanh nhằm khuyến khích cấp phép xây dựng công trình xanh cho tất cả các công trình công và tư xây mới hoặc cải tạo. Còn Bộ Xây dựng cần ban hành thông tư hướng dẫn tiêu chí xếp hạng công trình xanh Việt Nam để thu hút các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước.