Hợp tác xã phải gắn với chuỗi giá trị

(BĐT) - Trong bối cảnh nguồn lực tài chính hạn chế, Việt Nam cần tập trung nguồn lực cho việc phát triển các HTX cung ứng và tiêu thụ đối với những sản phẩm có quy mô thị trường lớn, có tác động lan tỏa theo mô hình chuỗi giá trị sản phẩm liên kết ngành.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Đó là khuyến nghị của các chuyên gia trong nước và quốc tế tại Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xây dựng mô hình hợp tác xã (HTX) hiệu quả gắn với chuỗi giá trị” vừa diễn ra tại Hà Nội.

Thiếu vốn, thiết bị lạc hậu

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đánh giá, Luật HTX 2012 ra đời đã tạo hành lang pháp lý cho các HTX hoạt động đúng bản chất và phát triển bền vững. Số HTX mới thành lập hoạt động tương đối hiệu quả. Trong HTX, các thành viên vừa là chủ, vừa là khách hàng, cùng hoạt động, cùng chịu trách nhiệm về hoạt động của mình, tạo ra sự công bằng, nhân văn mà không một mô hình kinh tế nào có được.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế có nhiều bất ổn, nợ công cao, ngân sách hạn hẹp, các doanh nghiệp hoạt động khó khăn nhưng khu vực kinh tế tập thể, HTX lại hoạt động khá ổn định, hiệu quả kinh doanh tăng lên. Mục đích phục vụ thành viên đã bước đầu được các HTX quan tâm và phát huy hiệu quả. Thông qua HTX, đời sống của thành viên và lao động được tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, tại Hội thảo, nhiều đại diện HTX cho biết, tồn tại, khó khăn của các HTX hiện nay là vốn ít, trang thiết bị lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết, sức cạnh tranh kém. Bên cạnh đó, khả năng huy động vốn của các hộ rất hạn chế, sự gắn kết lợi ích giữa HTX và thành viên khá mờ nhạt, lợi ích kinh tế trực tiếp do HTX mang lại cho thành viên chưa nhiều.

Ông Nguyễn Phú Hoàng, Chủ tịch Liên minh HTX Bình Thuận cho biết, nguyên nhân của những “điểm nghẽn” trong hoạt động HTX hiện nay là thiếu vốn, hạ tầng chưa bảo đảm yêu cầu nên việc liên kết, nhân rộng mô hình sản phẩm, hàng hóa chủ lực để hình thành quy mô lớn và tạo sức lan tỏa gặp khó khăn. Quy mô diện tích đất sản xuất của nông hộ nhìn chung còn nhỏ, không liền thửa nên khó khăn trong việc triển khai thực hiện các dự án cánh đồng lớn. Trong khi đó, nông dân chưa thật sự tích cực thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn sạch, tiêu chuẩn VietGAP vì thị trường có khả năng thanh toán của sản phẩm sạch chưa lớn và sản xuất sạch chưa mang lại lợi nhuận cao.

Phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới

Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng hơn 19.500 HTX, trong đó có hơn 6.000 HTX được đánh giá là hoạt động hiệu quả. Và theo ông Bùi Nghị, Phó Vụ trưởng Vụ HTX thuộc Bộ KH&ĐT, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các HTX, thời gian tới cần xây dựng được nhiều mô hình HTX kiểu mới quy mô lớn, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản thông qua hợp đồng. Việc phổ biến, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới làm ăn hiệu quả nếu được triển khai rộng rãi sẽ giúp người dân thực sự tin tưởng vào các lợi ích do HTX mang lại.

Bà Christian Staacke, đại diện Liên đoàn HTX Raiffeisen Cộng hòa liên bang Đức cho biết, xây dựng HTX theo chuỗi giá trị nông sản sẽ tạo thêm giá trị gia tăng bắt đầu từ khâu sản xuất nguyên liệu thô tới khi sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng, giúp tạo ra giá trị tối đa với chi phí tối thiểu; tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường, gia tăng lợi nhuận thông qua tạo thêm giá trị đầu tư. Thông qua chuỗi giá trị sản phẩm, các thành viên HTX sẽ giảm được chi phí sản xuất, đồng thời lại tăng được sản lượng và chất lượng sản phẩm, tăng doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo cơ hội để phát triển các sản phẩm mới.

Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đều cho rằng, giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX Việt Nam thời gian tới là nên rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX của Nhà nước. Bên cạnh đó, cần có những nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào trong trồng trọt nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, có sức cạnh tranh tốt trên thị trường trong nước và thế giới.

Về phía các ngân hàng, cần quan tâm dành nguồn vốn ưu đãi để đáp ứng nhu cầu tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh của các HTX. Đối với một số sản phẩm nông sản có tiềm năng, các cơ quan chức năng, giới khoa học cần có những tư vấn hỗ trợ HTX xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài nước giúp tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nông sản có chất lượng cao.

Chuyên đề