Hợp sức phát triển ngành logistics Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo đánh giá của Agility, Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu vào năm 2022, tốc độ phát triển hằng năm của ngành logistics Việt Nam đạt từ 14 - 16%, quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, ngành logistics nội địa đang đứng trước nhiều thách thức lớn, nếu không quan tâm đủ về chính sách, ưu đãi về vốn, nâng cao đội ngũ nhân lực và thúc đẩy doanh nghiệp (DN) hợp tác thì logistics Việt có thể thua ngay trên sân nhà.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Thực trạng ngành logistics

Tại Hội nghị Logistics 2023 Việt Nam tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu của nền kinh tế, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển dịch vụ logistics sẽ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn kết dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông - vận tải và công nghệ thông tin... Chính vì thế, đây là một trong 12 nhóm ngành được Cộng đồng ASEAN, trong đó có Việt Nam, ưu tiên hỗ trợ phát triển.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã quyết nghị chi 2,87 triệu tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các công trình, dự án. Hai năm 2022 - 2023, có thêm hơn 143.000 tỷ đồng của Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư cho các dự công trình, dự án quan trọng. Một phần không nhỏ trong nguồn lực này được dành cho hạ tầng giao thông, huyết mạch của nền kinh tế và cũng là huyết mạch của ngành logistics.

Về sự phát triển của các doanh nghiệp trong ngành, thực tế thời gian qua cho thấy, doanh nghiệp logistics ở Việt Nam tăng nhanh về số lượng. Đến nay, có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới hoạt động cung cấp các dịch vụ từ khâu làm thủ tục vận chuyển hàng hóa cho đến khâu đóng thuế hay thanh toán. Tuy nhiên, lĩnh vực này đang tồn tại nhiều vấn đề, nhất là việc cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; thiếu các khu kho vận tầm cỡ; DN còn hạn chế về quy mô, vốn, nhân lực…

Các DN cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam hầu hết có quy mô nhỏ và vừa, hoạt động manh mún, thiếu kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp, cung cấp các dịch vụ cơ bản, hoặc cung cấp từng dịch vụ đơn lẻ, cạnh tranh về giá là chủ yếu, ít giá trị gia tăng, thường chỉ đóng vai trò là nhà thầu phụ hay đại lý cho các công ty nước ngoài.

Từ góc nhìn DN, bà Phạm Thị Bích Huệ - Chủ tịch Công ty Western Pacific đánh giá, các tập đoàn logistics quốc tế đã vào Việt Nam hơn 10 năm nay, tiếp cận hạ tầng rất nhanh, có nguồn vốn mạnh, có nhân lực trình độ cao. Chỉ hơn 10 năm qua, họ đã tiếp cận hạ tầng số m2 dịch vụ logistics lớn hơn tất cả các DN nội cộng lại. “Trong khi DN nội lại đang cạnh tranh manh mún, triệt tiêu lẫn nhau. Nếu không quan tâm đủ về chính sách, ưu đãi về vốn, nâng cao đội ngũ nhân lực, DN logistics Việt có thể thua ngay trên sân nhà”, bà Huệ nhận định.

Để doanh nghiệp logistics nội tăng sức cạnh tranh

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam đang tham gia 19 hiệp định thương mại tự do và đang đàm phán nhiều hiệp định khác. Thực tế này buộc các DN logistics phải tăng cường chuyển đổi số, nâng cao năng lực, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng nhằm đưa hàng hóa Việt Nam đi khắp thế giới bằng chính dịch vụ của Việt Nam.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, điều kiện để Việt Nam phát triển ngành logistics là các doanh nghiệp phải theo sát, nắm bắt đúng xu hướng toàn cầu, đặc biệt là phải hợp sức để tạo sức mạnh cạnh tranh. Sự hợp tác sẽ giúp DN nội giảm tình trạng “triệt tiêu” nhau bằng giá, đồng thời tạo sức mạnh cạnh tranh với các hãng quốc tế.

Về phía Chính phủ, một số ý kiến kiến nghị cơ chế, chính sách cần hướng đến việc tạo sức mạnh cộng hưởng cho DN trong ngành. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tại Nhật Bản trước đây có 3 hãng tàu container lớn là Kawasaki Kisen Kaisha, Ltd., Mitsui O.S.K. Lines Ltd. và Nippon Yusen Kabushiki Kaisha thuộc 3 liên minh khác nhau và cạnh tranh với nhau. Chính phủ Nhật Bản sau đó đã sáp nhập 3 chủ thể này thành Hãng tàu ONE (viết tắt từ Ocean Network Express) - là hãng vận tải container lớn nhất Nhật Bản và là thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế. Hàn Quốc thì thành lập Liên minh hãng tàu K-Alliance với thành viên là các hãng tàu container trong nước. Đó là những kinh nghiệm đáng xem xét cho Việt Nam.

Giám đốc điều hành SLP Việt Nam, ông Edwin Chee nhận định, logistics là ngành dịch vụ có vai trò hỗ trợ cho sự hiện diện của thương hiệu, DN, hàng hóa Việt Nam. Đây cũng là kênh số 1 để dẫn dắt các đại bàng, tập đoàn hàng đầu thế giới vào Việt Nam. “Do đó, Chính phủ cần ưu tiên các chính sách giúp DN cải thiện dịch vụ, hỗ trợ DN tiếp cận vốn. Đồng thời, tăng cường chất lượng đào tạo để xây dựng lực lượng nhân sự giỏi cho ngành để tạo nên sức cạnh tranh cho DN nội”, ông Edwin Chee nhận xét.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư