Phần lớn nợ thuế của các DN tập trung tại Hà Nội, TPHCM và địa phương có khu công nghiệp. |
Tổng cục Thuế vừa công bố danh sách các địa phương có doanh nghiệp (DN) nợ thuế để đôn đốc và cưỡng chế. Danh sách này đã được gửi tới cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bản danh sách bao gồm các DN có nợ thuế từ 10 triệu đồng trở lên trên địa bàn quản lý tại thời điểm 30/4/2017. Số tiền thuế nợ thực hiện đôn đốc, cưỡng chế nợ của một DN không bao gồm các khoản: Tiền thuế nợ thực hiện đôn đốc đã nộp ngân sách Nhà nước nhưng đang chờ điều chỉnh, chờ xử lý, nợ khó thu, nợ đang trong thời gian khiếu nại, khiếu kiện.
Theo đó, hiện có khoảng gần 96.000 DN bị liệt kê vào danh sách nói trên, tổng giá trị các khoản nợ lên tới gần 49.400 tỷ đồng. Trong đó phần lớn là các DN có nợ trên 90 ngày (hơn 83.200 DN).
Các DN nợ thuế chủ yếu tập trung ở 16 địa phương có số thu điều tiết về ngân sách Trung ương với khoảng gần 68.800 DN, tổng nợ xấp xỉ 37.300 tỷ đồng. Còn lại hơn 27.000 DN nợ thuế với tổng số nợ trên 12.100 tỷ đồng, đóng tại 47 địa phương không có số thu điều tiết về ngân sách Trung ương.
Một điểm đáng chú ý là số lượng có nhiều DN nợ thuế và có số thuế nợ lớn hầu hết là những trung tâm về kinh tế, có nhiều khu công nghiệp trên cả nước. Có thể kể đến, TPHCM có gần 26.000 DN nợ hơn 9.400 tỷ đồng tiền thuế; Hà Nội có trên 18.800 DN nợ thuế gần 15.400 tỷ đồng; Bình Dương có trên 4.100 DN nợ thuế gần 2.100 tỷ đồng, Quảng Ninh có gần 1.700 DN nợ hơn 933 tỷ đồng; Vĩnh Phúc có hơn 1.600 DN nợ thuế trên 1.600 tỷ đồng; Hải Phòng có hơn 2.300 DN nợ thuế gần 1.600 tỷ đồng, Đồng Nai có gần 3.000 DN nợ thuế trên 976 tỷ đồng...
Từ thực tế trên, Tổng cục Thuế yêu cầu lãnh đạo các cục thuế địa phương thực hiện rà soát, đối chiếu tiền nợ thuế từng DN và áp dụng đôn đốc, cưỡng chế nợ và công khai thông tin.
Cụ thể, với DN nợ thuế từ 1-30 ngày, lãnh đạo ngành thuế đề nghị các nơi gọi điện thoại, nhắn tin, gửi thư điện tử cho chủ DN hoặc người đại diện pháp luật thông báo số tiền nợ.
Với DN nợ thuế từ 31 ngày trở lên, các đơn vị được yêu cầu ban hành thông báo tiền nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp gửi tới người nộp thuế. Đồng thời, ngành thuế cũng sẽ thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản và phong tỏa tài khoản DN với các đơn vị có nợ thuế từ 91-120 ngày.
Bên cạnh đó, với những DN nợ thuế từ ngày 121 trở đi, đã ban hành quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản nhưng quá 30 ngày, DN chưa nộp hoặc nộp chưa đủ, cơ quan chức năng sẽ thực hiện biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.