Hoàn thiện thể chế khơi thông nguồn lực xã hội hóa

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các dự án xã hội hóa có từ 2 nhà đầu tư quan tâm trở lên ngày càng nhiều, tuy nhiên, không ít địa phương đang lúng túng trong quy trình lựa chọn nhà đầu tư. Việc luật hóa quy trình lựa chọn nhà đầu tư dự án xã hội hóa, theo nhiều ý kiến, sẽ giúp hoạt động thu hút đầu tư tư nhân theo chủ trương xã hội hóa được minh bạch, hiệu quả hơn.
Nhiều nhà đầu tư có nhu cầu tham gia vào các dự án xã hội hóa trong những lĩnh vực như điện, nước sạch, môi trường, bệnh viện... Ảnh minh họa: Nhã Chi
Nhiều nhà đầu tư có nhu cầu tham gia vào các dự án xã hội hóa trong những lĩnh vực như điện, nước sạch, môi trường, bệnh viện... Ảnh minh họa: Nhã Chi

Theo nhiều địa phương, nhiều nhà đầu tư có nhu cầu tham gia vào các dự án xã hội hóa trong những lĩnh vực cần thiết, nhưng khung pháp lý về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án xã hội hóa chưa đầy đủ, gây lúng túng khi thực hiện.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa cho biết, một số dự án xã hội hóa có nhiều nhà đầu tư quan tâm, cần lựa chọn nhà đầu thực hiện dự án trong năm 2021 nhưng chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện như dự án rác thải, nước sinh hoạt… Theo Sở KH&ĐT Thanh Hóa nguyên nhân là do quy định của pháp luật về lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật về xã hội hóa chưa cụ thể, rõ ràng hoặc chưa kịp thời ban hành nên chưa đủ cơ sở triển khai. Còn theo Sở KH&ĐT Sơn La, Tỉnh cũng còn lúng túng trong quy trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật xã hội hóa (đầu tư xây dựng chợ, bến xe…).

Theo một số địa phương, Luật Đấu thầu chưa có quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo pháp luật chuyên ngành, pháp luật xã hội hóa và lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp có từ 2 nhà đầu tư trở lên quan tâm thực hiện dự án. Trong khi đó, pháp luật chuyên ngành, pháp luật xã hội hóa lại dẫn chiếu áp dụng quy định của Luật Đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư trong các trường hợp nêu trên. Điều này tạo ra khoảng trống pháp lý, gây ách tắc quá trình thực hiện thủ tục đầu tư.

Ngoài ra, thực tiễn xã hội hóa, đặc biệt trong lĩnh vực y tế đã cho thấy việc thiếu những quy định liên quan đến quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, đối tác tư nhân dẫn đến chưa tạo dựng được một thị trường cạnh tranh, minh bạch và còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến lợi ích của người sử dụng.

Trên thực tế một số bộ, ngành, địa phương đã tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án trong các lĩnh vực như điện, cung cấp nước sạch, xử lý rác thải… trên cơ sở vận dụng quy định của Luật Đấu thầu. Một số bộ, ngành đã ban hành văn bản quy định về đấu thầu lựa chọn trong một số lĩnh vực (nhà ở xã hội, công trình dịch vụ cảng hàng không sân bay, nạo vét vùng nước cảng biển đường thủy…). Do vậy, việc bổ sung vào Luật Đấu thầu (sửa đổi) các quy định về lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực chuyên ngành, xã hội hóa là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý cho việc thu hút đầu tư và tháo gỡ vướng mắc trong trường hợp có từ 2 nhà đầu tư trở lên quan tâm.

Theo nhiều chuyên gia, việc bổ sung những trường hợp này vào phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu sẽ góp phần nâng cao tính cạnh tranh, kinh tế và bảo đảm nguồn lực được sử dụng một cách hiệu quả trong quá trình triển khai các dự án đầu tư kinh doanh. Dự án xã hội hóa thuộc các lĩnh vực an sinh xã hội như y tế, giáo dục, văn hóa... Việc bổ sung hoạt động lựa chọn nhà đầu tư đối với nhóm dự án này có thể mang lại lợi ích cho người dân, tái phân bổ các nguồn lực về cho người dân thông qua hoạt động đấu thầu.

Xuất phát từ thực tiễn phát sinh yêu cầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xã hội hóa như điện, bệnh viện, sân bay, môi trường… nhưng Luật Đấu thầu chưa có quy định, báo cáo Chính phủ về hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị bổ sung phạm vi điều chỉnh đối với những trường hợp này.

Chuyên đề